Nâng cao giá trị nấm hương
Khởi nghiệp thành công với nấm rơm, chị Phan Kim Nhật Quỳnh (phường Bình Định, TX An Nhơn) tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm nấm hương. “Tôi chọn nấm hương bởi vì loại nấm này có hương vị thơm ngon, nhiều lợi ích cho sức khỏe và giá trị kinh tế cao, hiện nấm hương tươi có giá 180 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá trị các loại nấm khác”, chị Quỳnh nói.
Chị Phan Kim Nhật Quỳnh với sản phẩm nấm hương mới được thu hoạch tại trang trại ở Đà Lạt. Ảnh: NVCC
Nấm hương ưa lạnh nên rất khó nuôi trồng tại Bình Định. Loại nấm được mệnh danh là “hoàng hậu thực vật” này sinh trưởng và phát triển phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì thế nguồn cung cấp nấm tươi thường không ổn định. Chị Quỳnh tìm tòi nghiên cứu quy trình sản xuất nấm hương, đầu tư nhà xưởng để thí nghiệm sản phẩm chế biến từ nấm hương và cải tạo 6.000 m2 đất tại Đà Lạt để nuôi trồng nấm hương theo hướng hữu cơ. Chị còn nghiên cứu áp dụng công nghệ chiên chân không để chế biến nấm hương thành sản phẩm mới chưa từng xuất hiện tại Bình Định, đó là nấm hương sấy giòn nguyên vị. Sản phẩm mới, lạ và đang là xu hướng mới được nhiều người quan tâm.
Theo chị Quỳnh, đặc tính công nghệ chiên chân không là sử dụng nhiệt độ thấp nên giúp sản phẩm giòn xốp, tăng độ chắc giòn. Mặt khác, do không sử dụng bất kỳ chất điều vị nhân tạo nào trong quá trình sản xuất, sản phẩm duy trì được hàm lượng dinh dưỡng cao, giữ được màu sắc và mùi thơm đặc trưng của nấm hương, tạo nên sự hấp dẫn và làm tăng giá trị cảm nhận của người dùng. Thời gian bảo quản của sản phẩm sau khi chiên cũng tăng lên 9 tháng.
Sản phẩm đưa ra thị trường từ tháng 12.2020 và được khách hàng đón nhận. Chị Huỳnh Bách Thảo (TP Quy Nhơn) nhận xét: “Tôi bất ngờ khi lần đầu tiên thấy nấm có thể ăn liền được, cầm miếng nấm trên tay cảm nhận không khác mấy so với nấm tươi, nhưng ăn vào thấy giòn, ngon, giữ được mùi thơm tự nhiên của nấm hương. Ăn xong thấy ghiền luôn. Tôi và các bạn hay mua về cho cả gia đình dùng như một loại thức ăn vặt nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng”.
Hiện, cơ sở sản xuất của chị Quỳnh có thể cung ứng 4 tấn nấm hương sấy giòn/tháng. Nấm tươi sau khi được sấy giòn có giá tầm 1,5 triệu đồng/kg, mang lại doanh thu 800 triệu đồng/tháng.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định, chị Quỳnh cho biết đang triển khai kế hoạch xây dựng 10 ha đất trồng nấm hương tại xã An Toàn (huyện An Lão), phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Chị còn lập kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất, chế biến sâu các loại nấm ăn tại Bình Định theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ an toàn thực phẩm của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), Halal, ISO 22000, HACCP, organic. “Mong muốn của tôi là nâng cao giá trị, đưa cây nấm trở thành cây thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh”, chị Quỳnh chia sẻ.
KHÁNH LINH