Bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:
Ðảm bảo an toàn, dân chủ, đúng pháp luật
Thời gian đến ngày bầu cử chỉ còn chưa đến 3 tháng, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, cố gắng tập trung chỉ đạo thực hiện khối lượng công việc lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo cho công tác bầu cử thành công tốt đẹp, thực hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Đó là yêu cầu quan trọng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đặt ra khi phát biểu kết luận tại hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội nghị được tổ chức ngày 25.2 theo hình thức trực tuyến, ngoài điểm cầu Trung ương còn có 63 điểm cầu cấp tỉnh và 638 điểm cầu cấp huyện.
Kiên quyết loại trừ người không xứng đáng
Trực tiếp phổ biến Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Hướng dẫn 36), Phó Vụ trưởng Vụ 5 (Ban Tổ chức Trung ương) Đặng Cao Đức cho biết Hướng dẫn có nhiều điểm mới so với trước đây.
Đáng chú ý nhất là Hướng dẫn 36 đã nêu rõ: Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28.2.2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
“Đặc biệt là kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, HĐND các cấp”, ông Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn 36 cũng đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH và đại biểu HĐND chuyên trách. Theo đó, điểm mới bổ sung là người giới thiệu để bầu ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên.
Ở địa phương thì phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ CHQS sự tỉnh, chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, giám đốc CA tỉnh và tương đương trở lên...
Về bố trí trưởng đoàn ĐBQH khóa XV, xuất phát từ thực tiễn khóa XIV, Hướng dẫn 36 cũng có những bổ sung, sửa đổi. Nguyên tắc đặt ra là mỗi thường trực cấp ủy cấp tỉnh không giữ quá 2 chức danh lãnh đạo. Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố không giữ quá 3 chức danh lãnh đạo.
Đảm bảo quyền bỏ phiếu của người bị cách ly
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) giới thiệu Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng Bầu cử quốc gia về hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong bầu cử; lãnh đạo Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) giới thiệu các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn cụ thể về quy trình hiệp thương, tổ chức hội nghị cử tri, giới thiệu người ứng cử.
Phổ biến Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng lưu ý những điểm mới trong quá trình tổ chức công tác bầu cử trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, số lượng người phải cách ly còn lớn.
Cụ thể, trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. “Địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho các cử tri bị cách ly nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Trong trường hợp phải sử dụng hòm phiếu phụ, tổ trưởng tổ bầu cử chịu trách nhiệm kiểm tra số lượng phiếu bầu khi phát ra cho thành viên tổ bầu cử để mang theo cùng với hòm phiếu phụ đến các cử tri đang bị cách ly. Sau khi cử tri bỏ phiếu xong, thành viên tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về khu vực bỏ phiếu”, ông Hùng hướng dẫn cụ thể.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho công tác bầu cử cũng là vấn đề quan tâm của đại diện lãnh đạo nhiều địa phương khi tham gia trao đổi, thảo luận tại hội nghị. Ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết, ngay trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.
Tại Bình Định, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã yêu cầu TTYT các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương để tổ chức các điểm bầu cử đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng phương án tổ chức bầu cử đảm bảo quyền bầu cử cho tất cả các công dân trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp, giám sát, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian bầu cử.
“Ngay sau hội nghị này, tôi đề nghị các địa phương tiếp tục phản ánh những vướng mắc phát sinh; các cơ quan Trung ương khẩn trương có văn bản trả lời sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông tin. Tùy tình hình thực tế, các địa phương khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đến cấp huyện, xã; cần thiết thì thí điểm bổ sung các hướng dẫn cho phù hợp. Các cấp ủy, tổ chức chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến xã và các tổ chức phụ trách bầu cử tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử, đúng các mốc thời gian theo lịch trình quy định”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG