Người “giữ lửa” cồng chiêng ở Vĩnh An
Không chỉ đánh chiêng giỏi, chỉnh chiêng khéo, ông Ðinh Ngắt (52 tuổi, ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) còn dạy nhiều thanh thiếu niên địa phương biết đánh cồng chiêng.
Ông Đinh Ngắt là người Bana, sinh ra lớn lên ở xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai. Năm 10 tuổi, ông đã biết đánh chiêng. “Mình đam mê âm nhạc nên tìm hiểu sâu hơn về cồng chiêng, nhờ đó nhanh thạo kỹ năng đánh chiêng và biết chỉnh sao cho tròn tiếng chiêng. 15 tuổi, mình đã hướng dẫn cho bạn bè, các em trong làng đánh chiêng. Trong các dịp lễ hội, khánh thành nhà rông, thi biểu diễn cồng chiêng trong học đường, mình đều tham gia”, ông Ngắt chia sẻ.
5/5 làng ở xã Vĩnh An đều thành lập được đội đánh cồng chiêng, múa xoang. Các thành viên trong đội ở các làng được ông Đinh Ngắt chỉ dẫn cách đánh cồng chiêng.
Tròn 35 năm lập nghiệp ở làng Giọt 2, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, ngoài việc đảm đương tốt nhiều công việc khác nhau ở xã, ông Ngắt luôn được già làng, bà con mến mộ bởi lòng nhiệt huyết, đam mê “truyền lửa” cho thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Bana. Hiện nay, 5/5 làng của xã Vĩnh An, gồm Kon Giang, Giọt 1, Giọt 2, Kon Mon và Xà Tang đều đã có đội cồng chiêng - múa xoang. Những hạt nhân của làng được chọn đưa vào đội cồng chiêng của xã tham gia các lễ hội văn hóa - thể thao của huyện và liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, đạt nhiều giải cao. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của ông Ngắt.
Đinh Phúc, một trong những thanh niên đánh cồng chiêng giỏi ở làng Giọt 1, xã Vĩnh An, tâm tình: “Mình là một trong người may mắn được thầy Ngắt chỉ dẫn cách đánh chiêng. Đến nay, mình không chỉ đã thạo mà còn biết thêm về giá trị của cồng chiêng trong văn hóa Bana. Nhiều bạn khác ở Vĩnh An cũng vậy, họ biết cách cầm dùi đưa tiếng chiêng thanh hơn, vang hơn; bước chân nhịp nhàng với tiếng cồng chiêng và đôi tay múa xoang cũng uyển chuyển hơn khi được thầy Ngắt trực tiếp chỉ dạy”.
Ông Đinh Ngắt đánh chiêng.
Nói đến ông Đinh Ngắt, ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng phòng VH&TT huyện Tây Sơn, nhận xét: “Không chỉ đánh chiêng giỏi, ông Ngắt còn là một trong vài người có khả năng cảm âm, chỉnh chiêng giỏi nhất ở Tây Sơn hiện nay. Đóng góp của ông ấy trong việc phát triển sinh hoạt cồng chiêng rất lớn, nhờ đó còn tác động đến nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội khác”.
Trò chuyện với tôi, ông Đinh Ngắt khiêm tốn: “Từ nhỏ, mình đã nghe và quan sát các già làng, cha chú chỉnh từng cái chiêng. Mình tập theo dần, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm và biết chỉnh chiêng. Mình đã được mời đi chỉnh nhiều bộ chiêng ở các xã, huyện miền núi trong tỉnh. Người chỉnh chiêng phải có khả năng thẩm âm thật tốt để biết cái chiêng nào âm chuẩn, cái chiêng nào bị lạc âm…”.
Ông Đinh Ngắt còn trình tấu được nhiều nhạc cụ Bana khác như: Sáo, đàn t’rưng, đàn goong, đàn k’ní… Ông bày tỏ: “Mình vì đam mê âm nhạc dân tộc nên hay tìm tòi, học hỏi. Ngày nào được đàn, hát những bài hát truyền thống của dân tộc là cái bụng mình nó vui lắm. Không chỉ có mình đâu, người Bana phần đông đều rất thích âm nhạc. Mình sẽ cố gắng thổi ngọn lửa đam mê văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ và tận tâm truyền hết kỹ năng đánh chiêng mà mình có cho người thân, con cháu ở làng, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha xưa để lại”.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI