Tuy Phước phát huy di sản võ cổ truyền
Nhằm tạo môi trường rèn luyện cho những người hâm mộ võ cổ truyền cũng như góp phần giữ gìn và phát triển võ cổ truyền trên địa bàn huyện, năm 1980, huyện Tuy Phước cho thành lập Hội Võ thuật huyện. Từ đó đến nay, Hội không ngừng củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào việc phát triển phong trào luyện tập võ cổ truyền.
Một buổi tập tại CLB võ thuật chùa Long Phước.
Ở Tuy Phước hiện có nhiều võ đường, CLB võ cổ truyền phát triển tốt, điển hình là: Phi Long Vịnh, CLB võ thuật chùa Long Phước, Phi Long Vinh, Kim Huệ, Hồng Kim Chỉnh, Năm Định, Hồ Quốc Trị, Mỹ Vọng, Trần Công... với hơn 1.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Ngoài ra còn phải kể đến 14 điểm luyện tập tại 10 trường THCS duy trì thường xuyên chương trình tập luyện ngoại khóa. Các võ đường, điểm tập kể trên góp phần phát hiện nhiều tài năng bổ sung cho đội tuyển võ thuật cổ truyền của huyện, tỉnh.
Em Phạm Cẩm Hương (15 tuổi, ở thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa) chia sẻ: “Em mới tham gia học võ cổ truyền được hơn 3 tháng, ba mẹ khuyến khích em theo học để rèn luyện sức khỏe. Trước đây em chưa từng nghĩ đến bộ môn này, chỉ đến khi được xem thi đấu võ cổ truyền trực tiếp, được xem những bài quyền, thế đẹp mắt, em mới thực sự thấy thích võ và quyết tâm theo học”.
Võ sư cao cấp Thái Hùng Vinh, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật huyện, cho hay: “Trừ năm nay phải tạm dừng do dịch bệnh, từ mùa xuân năm 2018, nhằm cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe và tạo sân chơi cho các võ sinh, cứ vào ngày mùng 7 - 8 tết Nguyên đán, chúng tôi tổ chức giao lưu, biểu diễn, thi đấu võ cổ truyền, thu hút đông đảo võ sĩ trong và ngoài huyện. Nhằm động viên phong trào, địa điểm tổ chức được luân phiên giữa các xã, thị trấn. Hoạt động này góp phần tạo cơ hội cọ xát cho người học võ, đồng thời khuyếch trương tinh thần thượng võ trong các võ sinh”.
Từ năm 2008 đến nay, huyện Tuy Phước đã tham gia tổ chức 6 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định, 4 giải Vô địch Võ cổ truyền toàn huyện và nhiều giải đấu, giao lưu, biểu diễn võ cổ truyền mở rộng; trong đó Giải Võ cổ truyền mừng Đảng, mừng Xuân hàng năm là sự kiện có quy mô lớn, có sức thu hút cao trong phạm vi cả tỉnh và đến một số tỉnh thành lân cận.
Để khuyến khích thanh thiếu niên Tuy Phước đến với võ cổ truyền, nhiều võ sư không những đã miễn học phí mà còn hỗ trợ thêm cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Võ sư Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết: “Võ đường chiêu sinh thường xuyên, nhưng nhiều nhất là vào dịp hè. Hiện nay, tôi đang duy trì 2 lớp tập luyện thường xuyên 3 buổi/tuần với 60 học viên. Thông qua các lớp võ thường xuyên, tôi phát hiện nhiều em có tố chất tốt, sau khi bồi dưỡng, tôi giới thiệu các em vào các đội năng khiếu võ thuật cổ truyền của huyện và tỉnh”.
Bài, ảnh: HUỲNH NAM VIỆT