KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2021)
Xin cảm ơn những chiến sĩ áo trắng!
Không phải lời chúc mừng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, người đứng đầu chính quyền tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long gửi lời cảm ơn bằng tất cả sự trân quý đến những chiến sĩ áo trắng hy sinh cho sự bình an của người dân trong cuộc chiến dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (bìa phải) thăm, động viên và cảm ơn những chiến sĩ áo trắng trực chiến chống dịch Covid-19 xuyên Tết.
Hơn một năm đi qua cùng đại dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế thấm giọt mồ hôi, nước mắt, có những đêm thức trắng, những cuộc chạy đua truy vết, trong phòng xét nghiệm, nơi điều trị cách ly, trên chốt chống dịch...
Cuối tháng 1.2021, “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh Covid-19 bước vào giai đoạn mới. Sáng 2.2, tin một bệnh nhân của tỉnh Gia Lai dương tính với Covid-19 về đến huyện Hoài Ân; cái tên “ông Lợi” ở xóm Bàu Sen, thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây là thông tin đầu tiên để truy vết những ca F1 liên quan đến bệnh nhân này.
Đi tìm “ông Lợi”
“Công tác truy vết phải làm rất nhanh để kịp thời khoanh vùng và xử lý tiếp theo. Huy động toàn lực lượng y tế của khoa Kiểm soát bệnh tật, y tế xã, thôn, quân dân chính bám địa bàn mới xác định ra nhà ông Lợi - nơi trường hợp dương tính với Covid-19 về chơi cùng 4 người bạn. Tầm trưa cùng ngày thì xác định 11 ca F1 tại thôn Phú Khương (xã Ân Tường Tây) và 1 trường hợp tại xã Ân Phong”, bác sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Hoài Ân) chia sẻ.
Truy vết, phong tỏa toàn bộ thôn Phú Khương, khử khuẩn các địa điểm liên quan, 12 trường hợp F1 được đưa thẳng vào khu điều trị cách ly Covid-19 tại BVĐK khu vực Bồng Sơn. Tiếp tục khó khăn khi các ca F1 gần như hoảng loạn, không nhớ đã từng tiếp xúc với những ai để truy vết F2. Lực lượng y tế cùng địa phương đi từng xóm để hỏi những người xung quanh. 104 ca F2 và 718 ca F3 được chốt.
Khoa Kiểm soát bệnh tật huyện Hoài Ân có 14 nhân viên (trừ 2 nữ mang thai, 1 người làm báo cáo) đều ra hiện trường truy vết, khoanh vùng, xử lý môi trường. Ngoài ra còn có 13 nhân viên y tế của 2 trạm y tế. Sở Y tế điều động hẳn đội cơ động Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ra hỗ trợ; Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cũng trực chiến xử lý tại Hoài Ân.
“Từ 20 - 23 giờ đêm 2.2 là khoảng thời gian chờ đợi dài đằng đẵng, đến khi thông báo nội bộ 12 ca F1 âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, mới dám thở nhẹ ra một chút!”, bác sĩ CKII Phan Văn Thạnh, Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân, nhớ lại.
Chùm ca F1 xuất hiện ngay tại Hoài Ân không chỉ là mối lo riêng địa phương mà cả tỉnh “đứng ngồi không yên”. Tất cả mọi phương án xử lý đều được đẩy lên mức cao hơn. Bác sĩ Trịnh Ngọc Thuận, Trưởng Trạm y tế xã Ân Tường Tây, cho hay: Đầu tiên cũng có chút lúng túng, sau đó định hình lại, anh em lao vào làm cũng không còn nỗi sợ nào nữa, chỉ mong tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính. Đến sáng 5.2, tuyên bố 12 ca F1 âm tính lần 2, nhưng với lực lượng y tế cuộc chiến lần ấy chỉ kết thúc chiều 29 Tết khi đón 12 công dân trở về địa phương, đồng thời giải phóng toàn bộ các ca F2. Đâu chỉ có những ca F1 này, cả đợt trước và trong Tết, anh em ở trạm ròng rã trực dịch và làm các công tác khai báo y tế, giám sát cộng đồng, cách ly cả trăm trường hợp về từ các địa phương có ca bệnh.
Nhân viên Trạm y tế xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) kiểm soát chặt người về từ các tỉnh, thành.
Thầm lặng và kiên cường
Có hẳn phương án phòng, chống dịch Covid-19, nhưng thực tế từng thời điểm lại là những giải pháp linh hoạt. Kinh nghiệm những việc cần làm khi gặp các ca tiếp xúc với ca dương tính hoặc F1 khi xử lý tại Hoài Ân được tư lệnh ngành y tế soạn ngay trong đêm 2.2 để làm “kim chỉ nam” cho các đơn vị. TX An Nhơn, TP Quy Nhơn... cũng lần lượt ghi nhận trường hợp F1 ngay sau đó.
Ngoài công tác truy vết, công tác dịch tễ cộng đồng thông qua các chốt kiểm tra y tế, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm rất quan trọng. Đặc biệt, đợt dịch cận Tết, ngành Y tế căng mình chống dịch trên mọi mặt trận, khi con số cách ly tại nhà lên hàng nghìn người và cách ly tập trung gần 500 người.
Tại TP Quy Nhơn, chỉ một thời gian rất ngắn, thiết lập hẳn 3 chốt kiểm tra y tế làm vành đai bảo vệ thành phố, được đặt tại bến xe khách Quy Nhơn, QL 1D trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu và ga Quy Nhơn. Hơn 500 mẫu xét nghiệm được lấy xuyên đêm.
“Khoa có 30 người, phân công thành từng nhóm phụ trách địa bàn, riêng xét nghiệm có 2 kỹ thuật viên nên Trung tâm phải chi viện thêm 2 kỹ thuật viên. Căng thẳng nhất là 30 Tết, quần quật suốt ngày đêm để lấy 96 mẫu bệnh phẩm chuyển cho BVĐK tỉnh”, bác sĩ Lê Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT TP Quy Nhơn, cho hay.
Bác sĩ CKII Võ Văn Trung, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, chia sẻ, để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng thí nghiệm tìm vi rút SARS-CoV-2, những kỹ thuật viên lấy mẫu còn phải ngày đêm gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm. Việc lấy mẫu vô cùng khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Những chuyện đáng sợ của nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp là cứ hễ đưa que lấy dịch mũi là người này chuẩn bị hắt hơi trực diện vào nhân viên xét nghiệm…
Có dịp chứng kiến bác sĩ, kỹ thuật viên ở nơi được ví “không có… đêm” của khoa Vi sinh (BVĐK tỉnh) - đơn vị chịu trách nhiệm làm xét nghiệm SARS-CoV-2 của tỉnh, mới thấy áp lực công việc lặng lẽ mà kiên cường của nhân viên ngành y tế. Th.S Trịnh Hồ Tình, Trưởng khoa Vi sinh, dẫn chứng những con số thay lời nói về công việc: Đợt dịch thứ nhất mỗi ngày chỉ vài ba chục mẫu xét nghiệm; đợt dịch thứ 2, tăng lên bảy tám chục mẫu; căng nhất đợt dịch thứ 3 có ngày lên 187 mẫu. Anh em làm xét nghiệm đều xác định hễ có mẫu là làm!
Bác sĩ Trịnh Hồ Tình (người ngồi) phân tích đọc kết quả mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Những điều chưa có tiền lệ
Khi nói về cuộc chiến với dịch Covid-19, ông Lê Quang Hùng phải thốt lên rằng, đây là lần đầu tiên chúng ta chiến đấu với đại dịch nguy hiểm, quy mô toàn cầu và kéo dài với nhiều biến chủng, lây lan từ người sang người. Toàn ngành Y tế được huy động; 100% chiến sĩ áo trắng trực chiến, không biết Tết là gì!
Trong cuộc chiến ấy, công tác giám sát cộng đồng cực kỳ quan trọng. Công tác cách ly, điều trị rất chỉn chu, căng thẳng. Xét nghiệm trở thành công cụ rất quan trọng để phát hiện sớm ca bệnh, gần như không có trong tiền lệ với chiến dịch xét nghiệm truy vết thần tốc… Cũng rất quan trọng nữa là công tác tham mưu, với vai trò của cơ quan thường trực, Sở Y tế đã làm “tròn vai” công tác tham mưu, tổ chức phòng, chống dịch cho tỉnh.
Bác sĩ CKII Phan Châu Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh - đơn vị điều trị cách ly bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 của tỉnh cho hay: Cũng có lúc lo sợ, nhưng xíu rồi thôi, bước vào công việc mọi người không còn cảm giác sợ hãi, chỉ còn cố gắng cẩn trọng và mong bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2.
“Dù áp lực rất nặng, tất cả nhân viên ngành Y tế đều phải “chạy như con thoi”, không ai dám “buông súng”. Hơn nữa, điều quan trọng mà chúng tôi cảm nhận được qua đại dịch này là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng cùng chung tay với ngành Y tế và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là niềm vui của chúng tôi trong cuộc chiến này”, ông Hùng đúc kết.
Niềm vui ấm áp
Xuyên suốt với dịch Covid-19 có một lực lượng y tế rất đặc biệt ở cùng công dân cách ly tại các khu cách ly tập trung. Nhiệm vụ của họ là tiếp nhận công dân từ vùng dịch trở về, bố trí chỗ ở, khai thác các yếu tố dịch tễ, đo thân nhiệt, hướng dẫn phòng dịch tại khu cách ly, chăm sóc bệnh tật, động viên tinh thần để người dân yên tâm thực hiện cách ly.
Ngày 3.2, nhận nhiệm vụ ngay trước tết Nguyên đán, y sĩ Phan Thanh Liêm, Trạm y tế phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) vào ở hẳn Trung đoàn Bộ binh 739 (Bộ CHQS tỉnh). “Trong khu cách ly tập trung tiếp xúc với rất nhiều người, những cảm xúc khác nhau khi Tết họ phải xa nhà, xa người thân. Nhưng đọng lại trong tôi hình ảnh một cháu bé 9 tuổi từ tỉnh Gia Lai về quê ăn Tết (huyện Tuy Phước), phải cách ly tập trung. Những ngày đầu vì nhớ nhà, ba mẹ, gần như ngày nào cháu cũng khóc, đau lòng lắm. Làm quen, rồi động viên, an ủi, dần dần cháu cũng quen. Ngày nhận quyết định hoàn thành cách ly trở về nhà, hai chú cháu chụp với nhau tấm ảnh, nhìn nụ cười của cháu thấy những niềm vui ấm áp!”, y sĩ Liêm tâm sự.
THU HIỀN