Sẽ bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý nặng những hành vi vi phạm
Việc bỗng nhiên nhận được các cuộc gọi mời mua nhà, đất, bảo hiểm; nhận tin nhắn cung cấp số điện thoại tài xế taxi, khách sạn và thậm chí cho vay tiền đã không còn xa lạ... Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do có sự lộ, lọt, đánh cắp và mua bán dữ liệu cá nhân, từ tên tuổi, số điện thoại thậm chí đến số dư tiền gửi tiết kiệm giữa các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đây cũng chính là lý do Bộ CA bắt đầu triển khai lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức trong vòng 2 tháng (từ ngày 9.2 - 4.2021) đối với dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Việc truy cập và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng luôn tiềm ẩn yếu tố rủi ro lộ, lọt dữ liệu cá nhân (ảnh minh họa).
Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Bộ CA xây dựng gồm: 6 chương, 30 điều quy định về dữ liệu cá nhân, phân loại các dữ liệu, quy trình xử lý, bảo vệ dữ liệu; xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, dự thảo đã đưa ra khái niệm “dữ liệu cá nhân cơ bản” gồm: Tên, tuổi, ngày sinh, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc, các mã số cá nhân... và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” gồm: Quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, tình trạng tài chính, hành vi phạm tội...Trên cơ sở đó, Bộ CA đề xuất xử phạt từ 50 - 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm, danh dự của người bị tiết lộ, các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xóa dữ liệu cá nhân trái phép. Bên cạnh đó, mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Về vấn đề này, luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng: “Hiện nay, đã có một số chế tài liên quan đến những hành vi trên, tuy nhiên việc xử lý còn mang tính chung chung và thực tế từ trước đến nay có rất ít vụ kiện liên quan đến lĩnh vực thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Dự thảo nghị định này ra đời là phù hợp và một khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý xử lý người cố ý tiết lộ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, cũng sẽ tạo ra sự công bằng trong thị trường; thúc đẩy các đơn vị quản lý dữ liệu phải có trách nhiệm để bảo mật thông tin của khách hàng”. Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, nêu: “Theo tôi mức phạt này có thể nặng so với mỗi cá nhân vi phạm, nhưng nếu là tổ chức thì cần có chế tài nghiêm, mạnh hơn. Bên cạnh đó, cũng cần xử phạt cả những người mua, sử dụng thông tin cá nhân của người khác để tránh tạo tiền lệ xấu cho bên tiếp nhận, sử dụng dữ liệu cá nhân”.
Có thể nói, Dự thảo này thông qua sẽ là một trong những nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai Chính phủ điện tử; từng bước nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia các hoạt động giao dịch trên internet, trong đó có các dịch vụ hành chính công; cũng như nâng cao ý thức của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dân.
Bài, ảnh: NHẬT LINH