Hướng đến xây dựng đô thị Quy Nhơn thông minh, hiện đại
Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Phần mềm FPT (Fsoft Quy Nhơn). Qua đó, nhiều phương án đã được đưa ra nhằm xây dựng Quy Nhơn thành một trong những trung tâm trí tuệ nhân tạo AI đầu tiên ở Việt Nam và tiến tới triển khai thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) thăm hỏi về hoạt động của FPT tại Bình Định.
Sắp khai trương Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh
Năm 2020, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, sẽ thực hiện thí điểm ĐTTM tại TP Quy Nhơn. Sau thời gian triển khai chuẩn bị, dự kiến, trong tháng 3.2021 sẽ khai trương Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh.
Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin (FIS), công ty thành viên của FPT, cho biết: Trong giai đoạn thí điểm, ĐTTM Quy Nhơn cung ứng 8 dịch vụ: Phản ảnh hiện trường; giám sát, điều hành giao thông; ANTT của đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin; tổng hợp giám sát điều hành; hệ thống giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin KT-XH. Hiện tại, các dịch vụ đã có phần mềm của FPT, có app Binh Dinh Smartcity trên kho ứng dụng Google Play và Apple Store để chờ đến tháng 3.2021 tích hợp với Trung tâm điều hành (gói phần cứng) và triển khai tại các đơn vị liên quan. Ngoài ra, năm nay, Công ty sẽ phối hợp với Sở TT&TT triển khai thêm một số dịch vụ cho ĐTTM như giám sát điều hành giao thông, giám sát tình hình lũ lụt, xây dựng một số kios cung cấp thông tin…
Cũng theo ông Triều, ở dịch vụ phản ánh hiện trường, người dân có thể phản ánh và theo dõi kết quả xử lý mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời trên các phương tiện khác nhau như website, thiết bị di động. Tương tự ở dịch vụ giám sát, điều hành giao thông, có thể quản lý và điều hành mạng lưới giao thông công cộng tại Quy Nhơn, nâng cấp và kết nối điều khiển giao lộ thông minh, đo đếm và phân tích lưu lượng giao thông qua hệ thống camera... Từng dịch vụ có từng tính năng khác nhau mà người quản lý, người dân có thể liên tục phản hồi và xử lý thông tin các vấn đề của đô thị.
Phối cảnh mặt bằng tổng thể Phân hiệu Trường ĐH FPT tại Quy Nhơn, đào tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo.
Tạo thêm “điểm nhấn” với trí tuệ nhân tạo
Cùng với việc xây dựng ĐTTM, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng mong muốn FPT xây dựng nhanh Trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) ở Long Vân (TP Quy Nhơn) thành một trong những Trung tâm AI đầu tiên ở Việt Nam. Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ được triển khai tại các phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, có quy mô khoảng 94 ha, tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng. Dự án bao gồm các công trình: Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu AI, cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm, khu nhà ở hiện đại, thông minh với khoảng 2.100 căn, các công trình dịch vụ xã hội đô thị chất lượng cao...
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, Khu đô thị khoa học Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng) và Trung tâm trí tuệ nhân tạo sẽ tạo thêm điểm nhấn để Bình Định có sự phát triển đột phá hơn nữa; đồng thời kỳ vọng sắp tới Bình Định sẽ là tỉnh phát triển về khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. “Đối với các DN tạo phát triển đột phá, lâu dài cho tỉnh thì các cấp, ngành của tỉnh hết sức hỗ trợ. Hy vọng với sự hợp tác, hỗ trợ của DN như FPT, TMA và một số DN công nghệ thông tin khác, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện được kỳ vọng của mình”, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FPT, khẳng định: “FPT tin rằng Bình Định có cơ hội để trở thành một trung tâm về trí tuệ nhân tạo không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực mà của cả thế giới. Sau khi gặp gỡ, ký kết hợp tác, ngay lập tức công ty đã triển khai xây dựng trường đại học đào tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, xây dựng khu trí tuệ nhân tạo và đang làm rất nhiều công tác chuẩn bị để đồng hành với tỉnh”.
Bài, ảnh: ĐỖ THẢO