KỶ NIỆM 105 NĂM SINH NHÀ THƠ YẾN LAN (1916 - 2021):
Yến Lan với quê hương Bình Ðịnh
Nhà thơ Yến Lan là một trong những nhà thơ lớn để lại nhiều tác phẩm thể hiện tình cảm sâu nặng đối với quê hương Bình Ðịnh, điểm đặc biệt ở đây là những tác phẩm lớn nhất của ông đều in đậm hình bóng quê nhà.
Gia đình nhà thơ Yến Lan thời còn ở Hà Nội. Người ngồi giữa là chị Lâm Bạch Đàn.
Tôi về thăm quê Yến Lan vào một ngày cuối tháng 2.2021. Chị Lâm Bạch Đàn (con gái út của nhà thơ Yến Lan) cho biết: Do nhà 57 Quang Trung quá chật chội, xuống cấp nên gia đình quyết định bán nhà, chuyển sang đường Mai Xuân Thưởng. Sau khi thắp nhang lên bàn thờ vợ chồng nhà thơ, tôi tìm về bến đò Trường Thi (thuộc phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) thầm nhẩm lại bài thơ bất hủ Bến My Lăng của Yến Lan: “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/Ông lái buồn để gió lén mơn râu”.
Về “xuất xứ” của Bến My Lăng, trong một đêm giao lưu với nhà thơ Yến Lan tổ chức tại TP Quy Nhơn, chính Yến Lan đã giải thích rõ về điều này. Ông cho biết: Bến My Lăng chính là bến đò Trường Thi, nơi người cậu ruột của Yến Lan làm nghề lái đò. Tại bến đò này có một cái gò cát nổi lên trông giống như ụ chân mày, nên ông mới đặt tên bài thơ là Bến My Lăng. Bến đò này đã gắn bó với nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời của Yến Lan với quê hương…
Sinh thời nhà thơ Yến Lan đã để lại khá nhiều sáng tác thể hiện tấm lòng của mình đối với quê hương Bình Định. Tiêu biểu trong số này là các bài: Bình Định 1935; Bình Định 1945; Bình Định 1947; Hôm nay đã đến, Bình Định ơi; Bình Định 1975-1976… Đây đều là những tác phẩm được giới văn nghệ đánh giá rất cao.
Trước hết phải nói đến Bình Định 1935. Đây là một trong những bài thơ hay vào bậc nhất của Yến Lan cũng như của thi ca Việt. “Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt/Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền/Tịch-dương-liễu không biết mình đang biếc/Tương tư trời tương tư, nhạc triền miên”. Không khí, cảnh tượng Bình Định 1945 lại khác: “Không, Bình Định đã qua cơn sốt rét/Nước da vàng lột theo vỏ cây khô/Dấu xe ngựa đã niêm đầy ngõ kiệt/Trăng lạc loài gặp lại giữa đêm thu”. Trước cảnh tượng đó, nhà thơ viết: “Ôi Bình Định buổi đèn mờ, nước lã/Bóng nha môn nằm chặn lối ân tình/Đêm bỗng dậy những ánh vàng xa lạ/Sao mọc rồi, sông núi bớt lung linh”. Rồi thốt lên: “Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ/Mẹ ru con trong bóng tối phật phồng/Trong tay áo còn nghe dài tiếng thở/Bỗng thấy quanh thềm hát núi, ca sông”. Và cuối cùng thì reo vui: “Ôi Bình Định, hôm nay chào Cách mạng/Đón bình minh trong nhà nhỏ không đèn”.
Bình Định 1947 là những hình ảnh, sự kiện về giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Năm 1975, đất nước thống nhất, Yến Lan lại có 2 bài thơ hay về quê hương. Mở đầu bài Hôm nay đã đến, Bình Định ơi, Yến Lan viết: “Cờ giải phóng rợp dày trên cửa biển/Thành phố những dân ca đầy sự tích anh hùng/Sóng lại hồng màu áo giáp Quang Trung”. Và nhà thơ chân thành bày tỏ: “Cảm ơn, cảm ơn đoàn Giải phóng quân/Mang theo cả hồn tôi về xóm Động/Cho được thấy én xuân sà bãi lộng/Cù lao Xanh rực rỡ dưới trời mai”…
Đặc biệt, qua bài Bình Định 1975 - 1976, Yến Lan tâm sự: “Trời Bình Định long lên mắt thức/Tôi bước trong rạo rực nhạc đời ngân/Xe nối tiếp đoạn đường Nam - Bắc/Ga dồn toa đầu ngõ những nông trường.”… Và nhà thơ bày tỏ sự tin tưởng: “Ơi Bình Định, từ con tim ấp lửa/Bừng lên - bừng thành một cuộc hoa đăng”…
Rời bến Trường Thi, tôi cùng chị Lâm Bạch Đàn đi tới con đường mang tên Yến Lan. Vậy là cuối cùng thì tên tuổi của tác giả Bến My Lăng cũng được lưu dấu ấn tại quê hương. Cũng phải thôi, vì ngoài Bến My Lăng, Yến Lan đã để lại cho đời khá nhiều sáng tác thể hiện tình cảm sâu nặng đối với quê hương Bình Định.
VIẾT HIỀN