VI PHẠM VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM:
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
Theo CA tỉnh, thời gian qua, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân, cơ sở, tổ chức, DN vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Lực lượng cảnh sát môi trường đang tích cực bám cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp kiểm tra đôn đốc để ngăn chặn kịp thời các sai phạm về an toàn thực phẩm.
Một trong những sai phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là nguyên nhân mà cơ sở sản xuất mực tẩm, mực khô xé sợi T.H. (huyện Tuy Phước) đã bị Đội phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác, Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 19,5 triệu đồng trong dịp Tết vừa qua. “Vì chú trọng đến việc tiêu thụ sản phẩm nên tôi quên mất giấy chứng nhận đã hết hạn cũng như thường xuyên đôn đốc nhân viên tuân thủ quy định đội mũ và khẩu trang trong suốt quá trình chế biến. Mức phạt khá cao và nghiêm. Nhưng đây là bài học để cơ sở tôi cẩn thận hơn trong việc giữ gìn uy tín thương hiệu của mình”, ông Nguyễn Văn Quang, chủ cơ sở chia sẻ.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đa phần hoạt động với quy mô gia đình, nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại trung tâm thành phố, thị xã và các thị trấn. Vậy nên, việc chủ động nắm tình hình, chú trọng công tác trinh sát, tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được lực lượng chức năng triển khai thường xuyên theo từng chủ đề phù hợp. Đơn cử, trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết, lực lượng đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nem, chả, mực tẩm, chả ram tôm đất và những sản phẩm phục vụ Tết... Trong đó, chú trọng kiểm tra nguồn nguyên liệu, môi trường chế biến sản phẩm nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai phạm. Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh, cho biết: “Hậu quả từ ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra sẽ rất nặng nề, nên chủ động phòng ngừa sẽ hạn chế được nhiều rủi ro. Do đó, không chỉ kiểm tra, xử lý mà sau đó chúng tôi còn tổ chức hậu kiểm để xem quá trình khắc phục các sai phạm về an toàn thực phẩm của họ ra sao, bất kể cơ sở nhỏ lẻ hay quy mô”.
Được biết, trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau tết Tân Sửu 2021, Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh đã phát hiện và xử lý hành chính 4 vụ, xử phạt 80 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng còn phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra 74 cơ sở, qua đó phát hiện 6 cơ sở sai phạm; đã ra quyết định xử phạt hành chính 26 triệu đồng.
Để giảm thiểu vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng, thời gian tới, bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, lực lượng CA sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, để từng người dân, cơ quan, DN nắm bắt, tuân thủ các quy định của pháp luật. Bởi theo thượng tá Long: “Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc thường có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Vậy nên, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo CA tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường toàn tỉnh tăng cường nắm, dự báo tình hình liên quan đến sai phạm xảy ra trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra điểm nóng, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng thì ý thức bảo vệ thực phẩm an toàn của người dân, người kinh doanh, buôn bán thực phẩm mới là yếu tố quyết định, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Bài, ảnh: KIỀU ANH