Một nông dân đa năng
Năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh đầu tư xây dựng mô hình trồng hoa có nguồn gốc từ xứ ôn đới tại xã Vĩnh Sơn. Trong lúc nhiều người tỏ ra ái ngại về tính khả thi của mô hình, thì ông Huỳnh Hữu Châu (62 tuổi, ở thôn K2, xã Vĩnh Sơn) đã mạnh dạn nhận làm. Đến nay, sau 2 năm xắn tay vào việc, ông Châu đã đạt được những thành công nhất định.
Ngay sau khi nhận việc, ông Châu bắt tay ngay vào việc tiếp thu kỹ thuật trồng hoa, theo ông, nếu không nắm vững kỹ thuật, có nhiệt tình và quyết tâm đến mấy cũng không thành công. Khoảng đầu tháng 10.2012 (âm lịch), ông Châu triển khai trồng 160 củ hoa Lily và 40 kg giống hoa Lay Ơn. Đến cuối tháng Chạp năm 2012, vườn hoa của ông phát triển tốt, 100% cây Lay Ơn ra hoa tươi rói, riêng hoa Lily, mỗi cây đều cho từ 7 đến 9 nụ. Vụ hoa đầu tiên này, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, ông Châu thu được xấp xỉ 15 triệu đồng tiền lãi.
Sau thành công từ mô hình thử nghiệm đầu tiên, năm 2013, ông Châu mạnh dạn mở rộng mô hình và hướng đến việc trồng hoa để cung ứng cho thị trường hoa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đến thời điểm giữa tháng Chạp năm 2013, sau hơn 2 tháng chăm sóc, 600 củ hoa Lily, 700 củ hoa Lay Ơn và 500 củ hoa Loa Kèn đang sinh trưởng và phát triển rất tốt; hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Nhẹ tay nâng từng búp Lily xanh nõn nà trong vườn, ông Châu phấn khởi khoe: “Số hoa này đã có người đặt cọc hết rồi. Các loại hoa ôn đới thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở Vĩnh Sơn nên phát triển rất tốt. Với kết quả này, các anh chị cán bộ kỹ thuật nói, sang năm tôi có thể tự làm, không cần họ đến hướng dẫn trực tiếp nữa. Tôi sẽ mở rộng diện tích trồng hoa”.
Không chỉ là người “lĩnh ấn tiên phong” trong việc trồng hoa ôn đới ở Vĩnh Sơn, ông Huỳnh Hữu Châu còn được người dân nơi đây yêu mến và gọi là “nông dân đa năng” do nhanh nhạy trong cách nghĩ, cách làm kinh tế để vươn lên làm giàu. Ông Châu kể: “Tui vốn là người ở xã Vĩnh Hảo. Năm 1996, nhận thấy đất đai trên này màu mỡ, rộng rãi nên tôi lên đầu tư phát triển cây tiêu, rồi lập nghiệp và gắn bó từ đó đến nay”.
Hạnh phúc của ông Châu không chỉ là những vụ “tiêu ngọt, hoa thơm”, mà như lời ông nói, đó là sự thành đạt của con cái. “Vườn tiêu, 100 cây măng điền trúc, vườn bời lời và sầu đông không chỉ là cần câu cơm cho cả gia đình, mà còn giúp tui có nguồn vốn kha khá để lo cho 4 đứa con trai ăn học tới nơi tới chốn. Giờ đây, cả 4 thằng đều có công ăn việc làm ổn định; thỉnh thoảng hàng tháng, 4 đứa lại gởi tiền về báo hiếu cha mẹ, được như vậy thì còn hạnh phúc nào bằng”, ông Châu cười rạng rỡ đầy vẻ tự hào.
Sau gần 20 năm “cày ải” trên vùng đất bazan Vĩnh Sơn, đến nay, ông Châu đang sở hữu diện tích đất vườn rộng hơn 2 ha; trong đó, ông trồng 300 gốc tiêu; 5.000 cây bời lời; 100 gốc măng điền trúc và 1,5 ha sầu đông, tổng thu nhập mỗi năm gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, với sự năng động, khoa học trong làm ăn, hiện ông Châu được ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh giao thực hiện thí điểm trồng, phát triển mô hình cây dược liệu quý là Giảo Cổ Lam và Kim Tiền Thảo. Hiện nay, 2 loại dược liệu quý này đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Ông Châu được nhiều người tin cậy, quý mến vì lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn và chia sẻ tận tình những kinh nghiệm quý báu cho những bà con muốn phát triển kinh tế, cùng nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
VĂN LỰC - TRỌNG LỢI