Nét xưa cảnh vật Tuy An
Cách TP Quy Nhơn hơn 60 km, vùng đất Tuy An (tỉnh Phú Yên) có nhiều điều thú vị để khám phá.
Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) là điểm thu hút đông du khách nhất ở tỉnh Phú Yên. Diện tích gành khoảng 2 km2, đá bazan (hình thành từ hàng triệu năm trước do núi lửa phun trào) ở đây phần lớn đều có hình lục giác, được thiên nhiên tạo tác thành từng cột đá nối tiếp nhau, trông như những chiếc đĩa khổng lồ xếp chồng lên rất độc đáo… đi lên trên đồi cao gần đó nhìn về phía Gành Đá Đĩa, mới thấy được vẻ đẹp “mềm mại của đá” từ đất liền vươn ra uốn lượn trên mặt biển xanh. Cuối năm 2020, Gành Đá Đĩa được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt.
Nhà cổ bên trong trưng bày gốm cổ ở “Quảng Đức Xưa”.
Nằm ngay trên đường đi xuống Gành Đá Đĩa là khu “Hồn Xưa” rộng cả héc ta trên đồi cao, trong hai năm qua được bổ sung, hoàn thiện để chia làm nhiều khu trưng bày khoảng 3.000 - 4.000 hiện vật gốm (Champa, Quảng Đức…), cùng rất nhiều công cụ bằng đá, trang sức bằng đá của người nguyên thủy (phát hiện chủ yếu ở miền núi Phú Yên); hơn 1.100 cối đá xay bột, hàng trăm máng đá, cối giã bằng đá…
Hồn Xưa còn có nhà sàn của người Chăm H’roi được phục dựng theo nguyên bản, bên trong trưng bày nhiều sản phẩm đồ đồng, tiêu biểu là bộ chiêng trắng siêu hiếm có niên đại từ thế kỷ XVIII, cùng vài trăm chiếc chiêng lớn, nhỏ. Đặc biệt, ở đây còn có thêm không gian giới thiệu về làng nghề làm thúng chai hàng trăm năm tuổi ở xã An Dân, An Định (Tuy An).
Nhà thờ Mằng Lăng.
Cách di tích Gành Đá Đĩa khoảng mươi cây số là nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch), được xây dựng cách đây gần 130 năm. Dạo quanh ngắm vẻ đẹp của công trình kiến trúc kiểu Gothic, rồi theo “đường hầm” đi vào sâu trong lòng khu đồi nhân tạo ở khuôn viên nhà thờ, nơi có đền thờ Á Thánh Anre Phú Yên trưng bày khá nhiều tài liệu, hình ảnh, đặc biệt là cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma.
Đã đến Tuy An thì nhất định nên ghé thăm khu tham quan “Quảng Đức Xưa” nơi tôn vinh làng nghề gốm Quảng Đức (xã An Thạch) với lịch sử hơn 300 năm. Nơi đây trưng bày bộ sưu tập gốm Quảng Đức xưa nhiều nhất Việt Nam của ông Phạm Lê Quốc Cường, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào cuối tháng 12.2020. Càng ấn tượng hơn khi hiện vật gốm cổ được trưng bày trong 2 ngôi nhà cổ, bên cạnh đó Quảng Đức Xưa còn dành không gian để giới thiệu về nghề dệt chiếu, dệt lụa nổi tiếng xưa ở Tuy An.
Gành Đá Đĩa được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt cuối năm 2020.
Từ Gành Đá Đĩa đi thêm khoảng 20 km sẽ đến Hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa) một nơi phong cảnh hữu tình. Nước biển ở khu vực Hòn Yến rất trong, theo người dân địa phương lúc triều xuống (thường vào đầu tháng hay giữa tháng tính theo âm lịch), sẽ lộ rõ những rặng san hô nhiều màu sắc rất đẹp. Khi nước cạn, từ bờ lội ra khoảng vài chục mét là đến Hòn Yến (núi đá cao khoảng 100 m, trước đây có nhiều chim yến sinh sống) và gần đó là Hòn Đụn - hai hòn như một cặp đôi tựa bên nhau vững vàng giữa biển bao đời…
Biểu diễn đàn đá chào đón khách ở khu Hồn Xưa.
Nằm ở khoảng giữa quãng đường từ Gành Đá Đĩa đi Hòn Yến là Cù Lao Mái Nhà (thôn Phước Đồng, xã An Hải), điểm du lịch “đang nổi” ở huyện Tuy An. Từ làng chài đi tàu của ngư dân khoảng vài chục phút ra Cù Lao Mái Nhà vẫn còn nguyên sơ (chỉ có hai hộ dân sinh sống), có bãi cát trắng trải dài, nước biển trong xanh, được bao bọc bởi những dãy núi đá khá cao, khiến bạn đến đây “quên cả lối về”…
Bài, ảnh: HOÀI THU