Truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử: Tiện lợi nhiều mặt
Nhằm hướng đến phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã triển khai thí điểm công nghệ ghi nhật ký khai thác, truy xuất thủy sản điện tử và đang xây dựng lộ trình để áp dụng việc truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử trên cả nước.
Quy định về ghi nhật ký khai thác thủy sản (KTTS), truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được cụ thể hóa trong Luật Thủy sản nhằm thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, việc ghi nhật ký KTTS, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đã được ngư dân đánh bắt xa bờ, chủ nậu, DN và cơ quan quản lý thực hiện tốt trong thời gian qua. Tháng 3.2020, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng triển khai thí điểm việc ghi nhật ký KTTS và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cho 10 chủ tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn, nhằm giúp ngư dân từng bước làm quen với ứng dụng công nghệ.
Sau thời gian thử nghiệm hệ thống eCDT, ngư dân đã thuần thục các thao tác. Ông Nguyễn Văn Quốc, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 97738-TS, chia sẻ: “Trong chuyến biển, thuyền trưởng phải ghi chép lại từng mẻ lưới, vùng đánh bắt, từng loại cá, sản lượng khai thác vào sổ nhật ký KTTS khai báo với cơ quan quản lý để truy xuất nguồn gốc thủy sản khi tàu về bờ. Song, việc ghi nhật ký KTTS bằng bản giấy khá bất tiện, nhất là khi tàu hoạt động trên biển gặp lúc thời tiết xấu rất khó ghi chép. Còn sử dụng eCDT, thuyền trưởng chỉ cần mở phần mềm trên điện thoại di động, nhập mã nhận dạng và chụp ảnh con cá thì tất cả các thông tin về vị trí, tọa độ tàu sẽ được tự động cập nhật. Ngư dân chỉ ước trọng lượng con cá nhập vào là xong, thao tác đơn giản mà rất tiện lợi”.
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ là thực hiện theo luật định mà còn đáp ứng yêu cầu của thị trường về tính minh bạch sản phẩm, hướng đến xây dựng nghề cá phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Bình, chủ nậu ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cho rằng: “Lâu nay DN, chủ nậu mua gom thủy sản phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ để thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định, mất khá nhiều thời gian. Nếu tất cả mọi khâu thủ tục được khai báo, lưu trữ qua mạng thì không chỉ ngư dân mà chủ nậu, DN mua gom thủy sản, cơ quan quản lý rất tiện lợi”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh - phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Trung bình mỗi năm, Cảng cá Quy Nhơn có hơn 12.000 lượt tàu cá ra vào, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng hơn 40.000 tấn. Riêng những ngày trăng, có hàng trăm tàu cá ra vào cảng, nên việc kiểm soát, kiểm tra giấy tờ đòi hỏi nhiều nhân lực, thời gian hơn. Sau này hệ thống eCDT được ứng dụng đồng bộ, chúng tôi chỉ còn kiểm tra thực tế sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, vì các mục việc đã được ngư dân, chủ nậu, DN mua gom thủy sản khai báo qua điện tử, giúp rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục hành chính”.
Sau thời gian triển khai thí điểm hệ thống eCDT tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng cục Thủy sản đã và đang triển khai các bước tiếp theo để ứng dụng rộng rãi. Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Bình Định, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ KTTS (Tổng cục Thủy sản), cho biết: Hiện tại, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng xong phần mềm eCDT và đã kiểm thử phần mềm. Để ứng dụng hệ thống eCDT trên phạm vi cả nước, Tổng cục Thủy sản đang dự thảo thông tư để trình Bộ NN&PTNT ban hành vào giữa năm nay. Khi hệ thống eCDT được ứng dụng vẫn cho phép áp dụng song song tính pháp lý về truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng văn bản giấy và trên phần mềm điện tử. Sau này sẽ chuyển dần ứng dụng trên hệ thống điện tử để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, tiện lợi trong quản lý nghề cá.
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN