Công tác kết nghĩa với vùng đồng bào dân tộc thiểu số:Hiệu quả, thiết thực
Trong những năm qua, công tác kết nghĩa giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, LLVT, DN với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã góp phần trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ANTT tại cơ sở.
Góp sức xây dựng thôn, làng
Hơn 2 năm nay, người dân thôn T2, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) và tập thể cán bộ, công nhân viên Sở Ngoại vụ và Công ty CP BOT Bắc Bình Định đã gắn bó với nhau như những người thân trong gia đình. Từ những lời động viên, thăm hỏi ân cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất của đơn vị kết nghĩa đã giúp thôn có nhiều mới mẻ. Đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ xây dựng sân chơi và đầu tư nâng cấp trang thiết bị nhà văn hóa cộng đồng; tặng hàng trăm suất quà cho người dân trong những dịp lễ, tết; tổ chức các buổi chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp và trồng rừng cho người dân… Theo ông Đinh Văn Kích, Trưởng ban quản lý thôn T2, từ ngày kết nghĩa với hai đơn vị, ngoài được hỗ trợ về vật chất, tinh thần, bà con trong thôn còn được tuyên truyền về chính sách, pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức, cố gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững.
Sở Ngoại vụ, Công ty CP BOT Bắc Bình Định thăm, tặng quà tết cho các hộ dân thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân.
Tương tự, Sở Tài chính và Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) cũng là hai đơn vị tích cực trong hoạt động kết nghĩa với đồng bào thôn O10, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân). Từ khi kết nghĩa, hai đơn vị đã xây dựng 350 m2 sân bê tông cho Trường Tiểu học Đắk Mang với tổng kinh phí 30 triệu đồng. Đoàn thanh niên của hai đơn vị phối hợp với Đoàn Khối chính quyền huyện Hoài Ân thực hiện các công trình, phần việc thanh niên như: Xây dựng khu vui chơi cho học sinh; công trình “Thắp sáng đường quê” dài 700 m từ nhà văn hóa đến cổng chào thôn O10; tổ chức phiên chợ 0 đồng… Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Sở đã phối hợp chặt chẽ với Bidiphar và lãnh đạo địa phương để hoạt động kết nghĩa ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trước khi tổ chức các hoạt động, chúng tôi đều cử cán bộ đi tiền trạm, khảo sát tình hình, để chương trình khi tổ chức sẽ đạt hiệu quả cao nhất”.
Thắt chặt tình đoàn kết
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về “Tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay, đã có 117 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp (trong đó, CA huyện Tây Sơn và phòng PA 02 thuộc CA tỉnh, mỗi đơn vị kết nghĩa 2 thôn, làng) và 119 DN của tỉnh được phân công kết nghĩa với 119 thôn, làng, khu phố của các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Bằng tình cảm và trách nhiệm với đồng bào các thôn, làng, khu phố kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các lực lượng làm công tác vận động quần chúng giữ ổn định tình hình, vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, nâng cao cảnh giác, kiên quyết không nghe theo lời kẻ xấu. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, ban quản lý thôn, làng để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Song song đó, các cơ quan, đơn vị, DN đã hỗ trợ các thôn, làng, khu phố với tổng số tiền, quà trị giá hơn 4,6 tỷ đồng. Nhiều đơn vị còn chú trọng giúp đồng bào kết nghĩa xóa đói giảm nghèo như hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón; hướng dẫn chăn nuôi, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng mô hình “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”; làm sổ tiết kiệm, hướng dẫn chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình; đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên; vận động nhiều nguồn tài trợ để giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng trường học, nhà tình nghĩa…
Ông Đinh Văn Lung, Quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đánh giá: Nhờ công tác kết nghĩa mà diện mạo của các thôn, làng, khu phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, thay đổi, đời sống bà con được nâng cao. Việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân có hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, việc kết nghĩa còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái giữa cán bộ công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, DN với đồng bào các thôn, làng, khu phố. Để làm tốt hơn công tác kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị, DN cần làm đa dạng, phong phú hơn nội dung hoạt động kết nghĩa, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào để tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp quan tâm giải quyết”.
Bài, ảnh: CHƯƠNG HIẾU