Nhiều tiện ích với bệnh án điện tử
Rút ngắn thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh, giảm chi phí, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… là những lợi ích mà việc triển khai bệnh án điện tử tại TTYT TX An Nhơn mang lại.
Giảm áp lực
Tháng 4.2019, TTYT TX An Nhơn bắt tay triển khai bệnh án điện tử nhằm tiến tới thực hiện bệnh án điện tử. Trước đó, đơn vị đã đào tạo đội ngũ nhân lực, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bước tiến mới này.
Hơn 1 tỷ đồng được Trung tâm đầu tư trang bị 80 máy vi tính, máy in cho các khoa lâm sàng; hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc cho bác sĩ, điều dưỡng tại các khoa lâm sàng quy trình thực hiện bệnh án điện tử theo phương thức cuốn chiếu. Khó khăn nhất trong bước đầu thực hiện là bệnh án của hệ Ngoại có liên quan đến quy trình, lược đồ, các hình ảnh, vị trí phẫu thuật phải được mô tả trên hệ thống phần mềm nên bác sĩ nói vui có thêm nghề mới là… họa sĩ trên máy tính.
Điều dưỡng xử lý y lệnh của bác sĩ hoàn toàn trên máy vi tính.
Khoa Hồi sức cấp cứu luôn có đông bệnh nhân nặng, nhưng chỉ có 2 bác sĩ và 7 điều dưỡng. Bác sĩ Trưởng khoa Ngô Quang Phụng khẳng định: “Nhân lực ít thì việc ứng dụng bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất lớn. Trước đây, bác sĩ khám xong phải ghi diễn biến bệnh, chỉ định thuốc, xét nghiệm… vào hồ sơ giấy. Khi có kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trả về phải dán vào hồ sơ, ghi kết quả vào bệnh án giấy, tốn nhiều thời gian, giờ chỉ cần sao chép, chỉnh sửa thôi. Thực hiện bệnh án điện tử, bác sĩ có nhiều thời gian dành cho người bệnh hơn”.
Dẫn chứng về tiện ích của bệnh án điện tử, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Lê Thị Ánh Hồng cho hay, khoa có 12 điều dưỡng, 16 giường bệnh nhưng bệnh nhân luôn nhiều gấp đôi. Trước đây, buổi sáng bác sĩ khám bệnh, cho thuốc, cận lâm sàng thì điều dưỡng phải nhập thông tin vào phần mềm HIS, rồi in ra các phiếu cận lâm sàng và hướng dẫn người bệnh đi thực hiện kỹ thuật lâm sàng đó. Nếu bác sĩ tiếp tục cho thêm cận lâm sàng, điều dưỡng lại làm công việc như vậy, rồi đến tối ngồi ghi chép diễn biến bệnh và việc dùng thuốc của người bệnh vào bệnh án giấy, rất mất thời gian. Với bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ định trên bệnh án kết nối với phần mềm chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, xem được kết quả cận lâm sàng trên máy. Đỡ khổ nhất là phần nhận thuốc, điều dưỡng chỉ kết nối với bộ phận tổng hợp thuốc là xong.
Mục tiêu “bệnh viện số”
Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho hay: Đến nay, Trung tâm đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở tất cả khoa nội trú, ngoại trú, đồng thời lưu trữ thông tin khám, chữa bệnh của người bệnh trên cả hệ thống bệnh án giấy và bệnh án điện tử. Các hệ thống phần mềm HIS (quản lý bệnh viện), LIS (quản lý thông tin phòng xét nghiệm), PACS (quản lý thông tin lưu trữ và thu giữ hình ảnh) đều được kết nối.
Trung bình mỗi ngày, TTYT TX An Nhơn khám ngoại trú 800 - 1.000 bệnh nhân, điều trị nội trú 350 - 450 bệnh nhân. Triển khai bệnh án điện tử, Trung tâm đã tiết kiệm được thời gian ghi chép hồ sơ bệnh án, chữ viết trong bệnh án điện tử rõ ràng, không còn mang tiếng “xấu như chữ bác sĩ”, tránh được nhầm lẫn trong thực hiện y lệnh, từ đó nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Công tác quản lý tài chính chặt chẽ, chính xác do sử dụng hóa đơn điện tử tiết kiệm được không gian lưu trữ, chi phí thấp, bảo mật cao, không thất lạc, không thể làm hóa đơn giả.
“Tiếp tục hoàn thiện mô hình bệnh án điện tử, chúng tôi đầu tư thêm hệ thống máy chủ dự phòng, đăng ký chữ ký số cho toàn thể nhân viên tham gia vào quá trình triển khai ký số trên bệnh án điện tử. Trung tâm tiếp tục xây dựng đề án và lộ trình triển khai bệnh án điện tử trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tập trung nguồn lực đầu tư cho mục tiêu năm 2021 - 2022 trở thành “bệnh viện số””, ông Bình nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đánh giá, TTYT TX An Nhơn là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế tỉnh ứng dụng bệnh án điện tử để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đang đem lại hiệu quả nhiều mặt. Ngành Y tế tỉnh sẽ nhân rộng mô hình này đến các cơ sở y tế khác trên địa bàn.
“Trung tâm tiếp tục xây dựng đề án và lộ trình triển khai bệnh án điện tử trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tập trung nguồn lực đầu tư cho mục tiêu năm 2021 - 2022 trở thành “bệnh viện số”.
Bài, ảnh: MAI HOÀNG