Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phù hợp tình hình phòng dịch
Từ nay đến hết tháng 3.2021 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại các địa phương, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phát động Tuần lễ Áo dài 2021
Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài 2021 trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 1 - 8.3, các địa phương vận động cán bộ Hội LHPN Việt Nam, nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động thiết thực, đa dạng, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương, đơn vị, như: mặc áo dài đến nơi làm việc hoặc tham gia các sự kiện, tổ chức thi ảnh trực tuyến… nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài và phụ nữ Việt Nam.
Năm 2020, chuỗi sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa.
Tổ chức chuỗi hoạt động “Mùa xuân nho nhỏ” với 2 phương án phòng dịch
Từ ngày 1 - 31.3, Ban Quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động với chủ đề “Mùa xuân nho nhỏ”. Sự kiện được tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, Ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3.
Chuỗi hoạt động có sự tham gia của gần 100 đồng bào của 14 dân tộc ở 12 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng. Sự kiện gồm các hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản Mường” với chương trình giao lưu Tiếng hát mùa ban; giới thiệu ẩm thực từ hoa ban và vẻ đẹp hoa ban qua hình ảnh người con gái Thái...
Cũng trong dịp này, Ban Quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức trưng bày hình ảnh, hiện vật, trình chiếu phim tài liệu về biển đảo quê hương, chương trình ca múa nhạc “Tình ca từ biển” và nhiều hoạt động quảng bá văn hóa đặc sắc khác.
Chuỗi hoạt động sẽ diễn ra theo 1 trong 2 phương án.Phương án 1: Các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch Covid-19. Nếu thời điểm tháng 3.2021 tổ chức các hoạt động dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn (Hà Nội) nhưng vẫn được kiểm soát thì tăng cường các hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày hạn chế tập trung đông người, đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.
Phương án 2: Nếu đến thời điểm tổ chức các hoạt động tháng 3.2021, tình hình dịch Covid-19 được khống chế đảm bảo an toàn, các hoạt động đông người được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động bình thường thì được triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch, tăng cường các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Trưng bày trực tuyến hiện vật quý ở Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã quyết định “mở kho” trưng bày trực tuyến nhiều hiện vật quý, tại địa chỉ www.baotanglichsutphcm.com.vn.
Hình thức tham quan trực tuyến vô cùng thuận lợi, mọi người chỉ cần nhấp chuột là mở cửa vào “kho” với đầy đủ các hình ảnh cổ vật cùng với thông tin thuyết minh cụ thể.
Bộ sưu tập đầu tiên mà Bảo tàng Lịch sử TPHCM giới thiệu trong kho mở online thuộc về nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng Victor Thomas Holbé (1857 - 1927). Ông là dược sĩ phục vụ trong hải quân Pháp, từng làm Phó chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Sau khi Holbé mất, Hội Nghiên cứu Đông Dương vận động tiền mua lại bộ sưu tập của ông với giá 45.000 đồng Đông Dương, gồm 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia…, cùng với những hiện vật sẵn có của hội chính là cơ sở để thành lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse năm 1929 (Bảo tàng Lịch sử TPHCM ngày nay).
Bộ sưu tập hiện vật quý hiếm có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật gắn liền với sự phát triển của Bảo tàng Lịch sử TPHCM này gồm: Nhóm hiện vật chất liệu ngà, xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản; nhóm hiện vật chất liệu đá ngọc Trung Quốc thế kỷ 18 - 19; nhóm tượng thờ; nhóm hiện vật chất liệu gốm xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc…
Sau “kho mở trực tuyến số 1” về Holbé, Bảo tàng Lịch sử TPHCM sẽ lần lượt giới thiệu các hiện vật quý khác trong sưu tập về văn hóa Óc Eo của Louis Maleret; các hiện vật trong bộ sưu tập cổ khí của vua Minh Mạng; sưu tập đồ ngà, bộ sưu tập đồ đá ngọc Trung Quốc..
Công bố 12 sự kiện Không gian văn hóa Việt Nam
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam công bố 12 sự kiện thuộc dự án "Không gian văn hóa Việt Nam" diễn ra từ ngày 5 - 21.3. Theo đó, chuỗi sự kiện đa dạng nhiều hình thức và diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, như triển lãm đa phương tiện "Úm Ba La" tại Đà Nẵng, biểu diễn múa rối đa giác quan "Củ lạc" và "Thuyết hắt hơi" tại Ninh Bình, chương trình tập huấn về nghệ thuật cho trẻ em mang tên "Nghe em" tại Đắk Lắk và TPHCM, chiếu phim điện ảnh "Như trăng trong đêm" tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, hòa nhạc giáo dục "Trái tim trẻ em" tại Hà Nội, "Tuần lễ không gian văn hóa sáng tạo" tại Hải Phòng, biểu diễn "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" tại Hà Nội…
Tổ chức chiếu phim Pháp tại Việt Nam
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chiếu 7 bộ phim giới thiệu điện ảnh Pháp cổ điển và hiện đại tại Việt Nam gồm: Tôi đi tìm tôi, Đàn ông- Đàn bà, Công chúa da lừa, Những thiếu nữ thành Rochefort, Liệu trí thông minh nhân tạo có thể vượt trội hơn con người, Sống cùng robot, Hành trình sáng tạo trí não.
Thời gian tổ chức chiếu phim từ ngày 1 - 31.12 tại các địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Cần Thơ.
Các phim chỉ được trình chiếu tại Việt Nam sau khi có giấy phép phổ biến phim của Cục Điện ảnh.
Việc tổ chức chiếu phim chỉ được thực hiện tại các địa phương khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và phải tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành.
Theo Nhật Thy (Chinhphu.vn)