Đề nghị công nhận Lễ hội Đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
(BĐ) - Sở VH&TT đang xây dựng hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL xem xét, đưa Lễ hội Đô thị Nước Mặn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo kế hoạch, trong tháng 3.2021, hồ sơ sẽ được UBND tỉnh gửi đến Bộ VH-TT&DL.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ ngày 29 tháng Giêng đến hết ngày mùng 3 tháng Hai âm lịch tại Chùa Bà, thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước). Đây là một trong những lễ hội đặc sắc về văn hóa, tín ngưỡng của người dân Bình Định tưởng nhớ về các bậc tiền nhân từng tạo nên thương cảng Nước Mặn sầm uất, có tên trong nhiều hải đồ thương cảng thế giới.
Khoảng năm 1610, nhiều thương đoàn từ Phúc Kiến (Trung Hoa) đã vượt biển đến tận vùng đất này để giao thương với người Việt bản xứ. Qua hoạt động mua bán nhộn nhịp, vùng thương cảng Nước Mặn dần hình thành và phát triển rực rỡ nhất vào khoảng thế kỷ XVI - XVIII bao gồm cả những khu vực huyện Tuy Phước, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn. Sau thời gian phát triển, qua biến thiên lịch sử và biến đổi tự nhiên, khu hải cảng tại đây bị bồi lấp thành đầm lầy rồi trở thành khu vực nông thôn trũng thấp ngày nay.
Để tưởng nhớ những bậc tiền nhân và cùng với sự tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, người dân ở đây đã dựng lên miếu thờ Thiên hậu Thánh mẫu (tức Chùa Bà) và miếu Quan Thánh Đế (tức Chùa Ông). Trong đó, Chùa Bà - địa điểm chính để tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn hằng năm, được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa vào năm 2010.
TRỌNG LỢI