Xuân về vui hội Chợ Gò
Nếu ai chưa từng biết đến lễ hội Chợ Gò, hãy một lần về dự để cảm nhận vì sao Chợ Gò được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings tôn vinh 1 trong “100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam”. Năm nay, Lễ hội Chợ Gò Tết Giáp Ngọ có nhiều hoạt động đặc sắc, hứa hẹn không khí tươi mới.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Đã nhiều năm qua, cứ vào sớm mùng 1 Tết, chúng tôi lại hăm hở lên đường về dự hội Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, huyện Tuy Phước) để hòa mình vào không khí rộn ràng, náo nức của phiên chợ đặc biệt đầu năm. Qua đó, ngày càng hiểu thêm “sức sống truyền thống” của phiên chợ này trong lòng người dân địa phương.
Nghe hỏi về lịch sử Chợ Gò, cụ Nguyễn Văn Phê (75 tuổi), người dân thôn Phong Thạnh, hào hứng kể: Hồi còn nhỏ, tôi được ông nội cho biết, Chợ Gò là chợ truyền thống được gìn giữ từ bao đời nay và ngày càng thêm tươi mới. Sau này, có dịp chứng kiến những thăng trầm của phiên chợ này, tôi càng hiểu rõ hơn về sự khẳng định sâu sắc của ông mình. Trước giải phóng, có lúc chính quyền Ngụy căng dây kẽm gai ở khu vực Chợ Gò không cho họp chợ, nhưng bà con vẫn tụ họp mua bán ở những khoảng đất trống ít ỏi, cứ xua đầu này thì chạy qua đầu kia. Không ngăn cản được, chính quyền Ngụy lại cho họp chợ 7 ngày nhằm thay đổi truyền thống, nhưng người dân nhất quyết họp chợ và vui chơi ngày mùng 1- 2 Tết rồi tan chứ không kéo dài thêm.
Điều thú vị là Chợ Gò hằng năm thu hút rất đông người đến bán, nhưng đều là dân ở nơi khác. Còn đối với người dân ở thôn Phong Thạnh, thì Chợ Gò là dịp để con cháu khắp nơi trở về sum họp, dạo chơi vui hội. Ông Nguyễn Văn Diêu (60 tuổi), ở thôn Trung Tín 1, tâm sự: “Trước đây, mẹ tôi Tết năm nào cũng đi bán trầu cau ở Chợ Gò. Có năm khu đất Gò bị ngập nước, mẹ cùng mọi người vẫn xắn quần lội lên đường cái cao hơn để họp chợ”.
Hội năm nay sẽ rộn ràng hơn
Chợ Gò đậm bản sắc văn hóa truyền thống nhờ khởi nguồn do các tướng lĩnh nhà Tây Sơn cho tổ chức để quân sĩ và nhân dân vui chơi ngày Tết. Hướng đến kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, lễ hội Chợ Gò Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc.
Những ngày qua, người dân thôn Phong Thạnh phấn khởi khi thấy tại khu vực bến Trường Úc bên sông Hà Thanh (tương truyền là nơi neo đậu thuyền của nghĩa quân Tây Sơn trước đây), đang có một công trình dạng lầu vọng cảnh kết hợp với công viên ven sông chuẩn bị hoàn thành trước Tết. Phần sân công trình mới này cũng sẽ là “sân khấu” tổ chức các hoạt động biểu diễn trong lễ hội Chợ Gò năm nay. Ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng chương trình biểu diễn ca múa nhạc đặc sắc hơn, nhằm tạo không khí rộn ràng cho người dân về vui hội Chợ Gò. Trong đó, có nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như múa lân, hát dân ca, bài chòi, hội đánh bài chòi cổ dân gian, võ thuật, các trò chơi dân gian. Đặc biệt, lần đầu tiên sẽ có biểu diễn hát múa bả trạo”.
Đội bả trạo thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) lần đầu tiên được mời tham gia lễ hội Chợ Gò năm nay. Điều này đem đến sự phấn chấn cho các thành viên trong đội. Họ đang tranh thủ tập luyện dù đang trong thời điểm bận rộn cuối năm. Ông Hồ Thành Long, phụ trách đội bả trạo thôn Bình Thái, tâm sự: “Người dân trong thôn có truyền thống đem hải sản tươi sống bán ở Chợ Gò từ xưa giờ. Đội bả trạo chúng tôi rất vui vì được tham gia đóng góp bản sắc văn hóa truyền thống cho lễ hội Chợ Gò. Nếu diễn hát múa bả trạo theo đúng bài bản trong lễ hội cầu ngư thì thời gian dài hơn, nhưng theo yêu cầu diễn ở Chợ Gò chỉ từ 20-25 phút. Vì vậy, chúng tôi sẽ biểu diễn rút gọn lại nhưng đảm bảo vẫn giới thiệu được những nét đặc sắc nhất”.
Một trong những hoạt động được đông đảo người dân trông chờ trong lễ hội Chợ Gò là hội đánh bài chòi cổ dân gian. Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước đã cho tiến hành dựng chòi, tổ chức tập luyện thêm cho đội ngũ làm hiệu để phục vụ tốt hơn người dân. “Tôi và các nghệ nhân bài chòi ở Tuy Phước đã có kinh nghiệm làm hiệu tại các hội đánh bài chòi cổ ở nhiều nơi, nhưng biểu diễn trong lễ hội Chợ Gò lúc nào cũng có nhiều cảm hứng hơn. Năm ngoái, nhu cầu vui hội bài chòi của bà con rất lớn, nên năm nay chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần để phục vụ hết mình trong các buổi sáng, chiều mùng 1 và mùng 2 Tết”, anh Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, bộc bạch.
HOÀI THU