VÀO VỤ NUÔI THỦY SẢN:
Quản lý vùng nuôi, phòng ngừa rủi ro
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), đến thời điểm này, cả tỉnh đã thả nuôi tôm vụ 1 trên diện tích 196,8 ha mặt nước; cá nước ngọt trên 1.150 ha và 10.000 m3 thể tích nuôi cá lồng trên hồ chứa… Ðồng thời người nuôi thủy sản cũng không quên thực hiện các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Các hộ nuôi cá lồng trên biển ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) chủ động các giải pháp bảo vệ cá nuôi trong vụ mới.
Tại một số vùng nuôi tôm ở huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, người nuôi đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để thả tôm nuôi vụ 1. Ông Ngô Thắng Trung, ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Tôi có 2 ao nuôi/1.300 m2 hiện đã cải tạo, xử lý nước xong, chờ đến giữa tháng 3 thả tôm nuôi theo lịch thời vụ. Tôi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước ao, trộn vào thức ăn cho tôm và thả nuôi mật độ thấp 100 con/m2 để đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng tốt”.
Các hộ nuôi cá lồng trên biển ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cũng đã vào vụ nuôi mới. Ông Trần Văn Mai, người nuôi cá ở đây, vui vẻ cho biết: “Năm ngoái, sau Tết có gió Bấc rồi đột ngột xuất hiện gió Nồm làm lớp bùn dưới đáy không được rửa trôi mà tấp vào các lồng khiến cá nhiễm bệnh chết, nhiều hộ mới thả giống đã thiệt hại nặng; nhưng năm nay gió Bấc về nhiều, nước ròng lên nhanh giúp ổn môi trường nước, cá mới thả phát triển tốt. Tôi có 2 bè/38 lồng thả nuôi 15.000 con cá chẽm, 6.000 con cá mú, 1.000 con cá hồng đỏ. Tôi phải thường kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi không để lượng thức ăn thừa đọng dưới đáy lồng, nếu nắng nóng kéo dài phải tắm cá để ngừa dịch bệnh”.
Điểm đặc biệt mới so với mọi năm là người nuôi trồng thủy sản tham vấn các ý kiến từ cơ quan chuyên môn cũng như thực hiện các hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ và nghiêm túc. Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản Chi cục Thủy sản, cùng với việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc thủy sản nuôi, Chi cục đã tiến hành 4 đợt quan trắc, kiểm tra các thông số nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, tảo… và gửi công văn đến các địa phương để cập nhật kết quả quan trắc, hướng dẫn người nuôi quản lý vùng nuôi, điều chỉnh mật độ thả nuôi phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Sau khi xuất bán 2,2 tấn cá điêu hồng, cá trê trong dịp Tết, anh Nguyễn Quốc Luật, ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh thả nuôi 20.000 con cá điêu hồng, cá trê trên hồ Định Bình. Anh Luật chia sẻ: “Tầm này đã bắt đầu có nắng nóng, nên tôi giảm mật độ thả nuôi từ 5.000 con xuống còn 2.000 con/ô lồng để tạo điều kiện cho cá sinh trưởng thoải mái. Năm ngoái, huyện hỗ trợ tôi nuôi thử nghiệm giống cá chép giòn, kết quả rất tốt; giá lên tới 200 - 250 nghìn đồng/kg, cao gấp 4 - 5 lần cá chép nuôi thường nên nay tôi tiếp tục thả nuôi giống cá này! Tôi thấy những đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức như việc hỗ trợ nuôi thử nghiệm cá chép giòn rất quý, mang lại nhiều lợi ích cho dân”.
Anh Nguyễn Văn Dũng, ở xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn kiểm tra tôm giống và thả nuôi vụ mới.
Tương tự, 3 năm qua, anh Nguyễn Văn Dũng, ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) chuyển từ nuôi chuyên tôm sang nuôi thủy sản tổng hợp. Trên diện tích 1,2 ha/2 ao nuôi, anh thả nuôi 20.000 con tôm sú, 5.000 con cá dìa, 700 con cá chua. “Nuôi mỗi con tôm thì thường bị dịch bệnh, nên tôi chuyển sang nuôi tổng hợp tôm, cua, cá theo hướng dẫn của ngành chức năng. Tôi nuôi theo kiểu đánh tỉa thả bù trong khoảng 5 tháng là nghỉ, thu nhập ổn định từ 50 - 60 triệu đồng/năm”, anh Dũng bộc bạch.
Nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, giữa tháng 2.2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường các giải pháp quản lý nuôi trồng thủy sản, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro. Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Trung tâm Khuyến nông tăng cường quản lý chất lượng con giống, hoạt động ương dưỡng giống thủy sản; kiểm soát các sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản, chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện các mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học để dễ quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chương trình tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, lựa chọn các giống thủy sản mới để nuôi…
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN