Tăng cường PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Ðặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay là xây dựng tự do, không theo quy hoạch và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hóa... Chính sự không theo quy chuẩn này nên nếu xảy ra sự cố cháy, nổ thì hệ lụy hết sức nặng nề.
Hiện trường một vụ cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh, qua điều tra các vụ cháy nổ tại các hộ gia đình kết hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thì nguyên nhân dẫn đến các sự cố cháy tại đây chủ yếu là do ý thức chấp hành quy định an toàn PCCC của chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; người dân còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng. Đơn cử như vụ cháy tại một tiệm thuốc bắc (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) vào đầu tháng 1 vừa qua xuất phát từ việc sử dụng nguồn lửa trần trong quá trình sấy thuốc bất cẩn nên xảy ra cháy. Đám cháy khởi nguồn trên tầng 3 của ngôi nhà, nên việc tiếp cận dập lửa của lực lượng chức năng có chút khó khăn, song nhờ sự chuyên nghiệp và kịp thời, nên đám cháy nhanh chóng được khống chế, không cháy lan, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh, phân tích: “Nhà ở kết hợp kinh doanh kiểu này thường là nhà hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp chống tụ khói. Khi xảy ra sự cố cháy, việc tiếp cận hiện trường để tổ chức cứu người cũng gặp nhiều trở ngại. Các phương tiện chữa cháy gặp cản trở vì giao thông chật hẹp, kết cấu hầu hết là nhà liền nhau nên việc phá dỡ công trình gặp nhiều khó khăn, nguồn nước chữa cháy tại khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Tuy vậy, những bất cập này đã được tháo gỡ khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24.11.2020 (thay thế cho Nghị định 79/2014/NĐ-CP, ngày 31.7.2014 của Chính phủ) đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (gọi tắt là Nghị định 136, có hiệu lực từ ngày 10.1.2021) quy định rõ điều kiện an toàn PCCC đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, nghị định quy định, hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện là nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng đảm bảo an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy. Phải niêm yết đủ nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN thì chủ hộ gia đình phải làm nhiệm vụ PCCC, phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như trang bị đủ các loại bình chữa cháy xách tay theo quy định, cũng như thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; hàng hóa, vật tư phải sắp xếp, bố trí gọn gàng, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định an toàn về PCCC.
Đây là một trong những điều kiện cần thiết để nâng cao ý thức PCCC tại chỗ cho mọi người dân. Thực tế diện tích các cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở không lớn, thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn, hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất, kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật, không có sự bảo trì, cải tạo.Và để người dân nắm bắt và thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 136 này, hiện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh đang tiến hành rà soát, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thuộc nhóm lĩnh vực này hiểu và thực hiện đúng, hạn chế những rủi ro do sự cố cháy, nổ gây ra.
Bài, ảnh: KIỀU ANH