NHÀ THƠ BÙI THỊ XUÂN MAI:
Dung dị một tấm lòng
Ðầu năm 2021, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới nhất của chị: Mùa đông thương nhớ (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2020). Ðây là tập thơ thứ 7 của riêng chị. Vẫn lối viết mộc mạc, chị sáng tác thơ như một sự trải lòng để bày giãi những tâm tư và chia sẻ cùng bè bạn.
Nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai
Ở thơ chị, một phần dành cho những người lính. Chị kể rằng, chị có những người thân yêu đã tham gia qua hai cuộc kháng chiến, trong đó có bố chồng, cô ruột, anh họ, anh con bà cô ruột... Họ là những người đã dành tuổi thanh xuân của mình bước về phía hòn tên mũi đạn, góp phần làm nên ngày độc lập. Ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Bí thư Bình Định, người được xem là “cánh chim đầu đàn” trong phong trào kháng chiến chống Mỹ tại Bình Định trong 2 tập hồi ký Ở lại với dòng sông cũng là người bà con của chị. Hiểu được điều này sẽ hiểu vì sao chị có nhiều những câu thơ mộc mạc mà rưng rưng về một thời lửa đạn chiến tranh, về người lính ngày xưa.
Thời gian ngỡ đã phôi phai, nhưng ký ức về tháng năm ác liệt đạn bom, cả những nỗi đau mất mát chưa hẳn đã nguôi ngoai. Đọc những dòng thơ giản dị của chị về người lính mà rưng rưng: “Anh Giáo, anh Lâm nằm lại bưng biền Đồng Tháp, rừng đước Cà Mau/ Anh Khôi, anh Đường cùng đơn vị bom vùi trong núi rừng Khu Năm mưa lũ/ Hàng trăm chiến sĩ Sư Ba anh hùng tên sắp hàng mộ bia tập thể/ Mấy chục năm hòa bình... những ai vẫn lặng lẽ Vô Danh?” (Hồ sơ kỷ vật).
Bùi Thị Xuân Mai ít xuất hiện trên văn đàn. Tác phẩm của chị vì thế chỉ khu hẹp trong một phạm vi nhất định, phần nhiều những sáng tác ấy chị dành chia sẻ với bè bạn và những người thân yêu. Hoặc xa hơn, là dành cho những cơ duyên hạnh ngộ.
Thơ của Bùi Thị Xuân Mai chưa bao giờ thô ráp góc cạnh, có lẽ bởi trong đời thật ngay cả những khi giận lắm chị cũng chưa hề lớn tiếng. Nhưng ngôn ngữ thơ Xuân Mai lại mạnh ở cái tình, nét chân phương, dễ được người đọc đồng cảm, thấu hiểu. Ví như một nỗi lòng của người mẹ khiến ta thương ngậm thương ngùi: “Ngày ngày ra ngóng biển xa/ Đợi con cưỡi sóng Gạc Ma trở về// Trường Sa giông bão tứ bề/ Mẹ xây mộ gió… con về… cùng sương// Lưng già đầy mãi nhớ thương/ Dõi theo ngọn khói thơm hương đón người...” (Mộ gió cho con). Hay khi lần giở lại những trang thơ cũ của chị, có những dòng thơ hiện lên gần gũi, ấm áp, đưa ta về những không gian bình yên quê nhà: “Ru cho hạt thóc nẩy mầm/ niềm vui về bến lặng thầm tin yêu/ ru từng ngọn khói liêu xiêu/ bay thơm mái rạ những chiều cơm lam// Lời ru tựa cửa thời gian/ Quạt hồng bếp lửa nồng nàn đêm sâu” (Lời ru bếp lửa).
Suốt nhiều năm qua chị dành phần nhiều thời gian cho gia đình. Trong những khoảng trống, chị dành những dòng ký ức cũ xưa với bao yêu thương, trăn trở lại lay thức và trải lên bằng những con chữ. Chị thấu tỏ và trân trọng bằng cả tấm lòng mình, cũng ngầm bày tỏ trong đó một nhân sinh quan sống ngay thẳng, thiệt thành: “Thấm thoát thoi đưa tóc đã pha sương/ Tỷ phú thời gian ngày tung tẩy cá rau chợ búa/ câu hát ngân lên cùng bát canh bầu râu tôm ngon tự thuở/ chờ cháu con đi làm đi học về chung mâm/ lại mắt cay xưa học phải chạy trốn tiếng bom gầm/ chân chim nhảy theo ánh nhìn ôm chữ NHẪN/ còn lương tâm luôn là một chữ I ngay thẳng/ đã yêu người không toan tính thiệt hơn” (Phác thảo vui).
Nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai sinh năm 1948, quê ở huyện Vĩnh Thạnh, hiện đang ở tại TP Quy Nhơn. Chị là hội viên Chi hội Văn học và Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Ðịnh); hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từ 1990 - 2015, chị đã đạt 6 giải thưởng VHNT Ðào Tấn - Xuân Diệu.
Ngoài hồi ký Ở lại với dòng sông, chị đã in các tập thơ Hạt cát vàng (1990); Cầu trăng (1994), Dòng sông thao thức (2000), Từ Krông Bung (2003), Lời ru bếp lửa (2005), Những vì sao lặng lẽ xanh (2015)...
NGÔ PHONG