Sẽ đưa các cơ sở chế biến mực xà ở Cát Khánh vào khu sản xuất tập trung
Theo phản ánh của người dân ở khu vực quanh đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, từ nhiều năm nay, họ rất khổ sở vì hằng ngày phải sống chung với môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà trong khu dân cư.
Mực xà sau khi sơ chế được đem phơi ở những khu đất trống dọc bờ biển Đề Gi, bốc mùi hôi ảnh hưởng khu dân cư.
Ông Nguyễn Công Tại, Trưởng thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh), cho hay: “Do chế biến mực xà nên môi trường bị ô nhiễm. Lâu nay thôn cũng đã nhiều lần vận động người dân chuyển đổi nghề nhưng vì việc mưu sinh nên họ vẫn làm. Được biết, tại các địa phương như: TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn đã cấm sản xuất mực xà, nhưng ở huyện Phù Cát thì lại chưa cấm. Điều lo ngại hơn nữa là sức khỏe người dân luôn bị đe dọa từ nạn ô nhiễm này. Nhiều người tại địa phương ngoài viêm mũi, viêm xoang còn mắc các bệnh khác do ô nhiễm”.
Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, trên địa bàn xã hiện có khoảng 25 hộ sơ chế mực xà nằm xen kẽ trong khu dân cư tại thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Hoạt động sơ chế mực xà đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng các cơ sở không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải; toàn bộ nước thải rửa mực được xả trực tiếp xuống ven đầm Đề Gi. Bên cạnh đó, hoạt động phơi mực tự nhiên với số lượng lớn đã gây ra tình trạng mùi hôi ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của các hộ dân. Từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cũng đã vào cuộc, đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.
“Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng khu dân cư An Quang Tây và An Quang Đông dọc tuyến đê bao kết hợp kè chắn sóng thuộc tuyến ĐT 633 và sẽ triển khai trong năm 2021. Theo đó, 25 hộ chuyên sản xuất mực xà sẽ được vận động, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nếu hộ nào không đồng ý buộc phải đưa ra khỏi khu dân cư, vào nơi sản xuất tập trung”, ông Tiến cho biết thêm.
Cũng theo ông Tiến, trước mắt UBND huyện Phù Cát chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã Cát Khánh phối hợp với Ban quản lý Cảng cá Bình Định kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập mực xà tại cảng, đề xuất không tiếp nhận lượng mực xà từ địa phương khác (ngoài tỉnh) chuyển đến xã Cát Khánh. Hướng dẫn các hộ sơ chế mực xà trên địa bàn xã trong quá trình sản xuất phải đảm bảo không gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bài, ảnh: VĂN LƯU