Cần có kế hoạch bảo tồn đòn gối, chỏ trong võ cổ truyền
Từ năm 1993, đòn gối và chỏ bị cấm sử dụng trong thi đấu đối kháng võ cổ truyền. Không còn xuất hiện ở các giải đấu, những đòn thế lợi hại này - một phần quan trọng của tinh hoa võ cổ truyền - bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền.
28 năm vắng bóng
Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 1993 tổ chức ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ tổ chức thi đấu 7 hạng cân nam (từ 45 - 63,5 kg). Trong buổi thi đấu chung kết, có đến 4 trận đấu có võ sĩ bị hạ knock-out bằng các đòn gối, chỏ. Ngay sau giải đấu đó, những người có trách nhiệm của ngành TDTT và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã họp bàn, nhận định đòn gối, chỏ mang tính sát thương cao. Từ đó, luật thi đấu đối kháng được chỉnh sửa, các đòn gối, chỏ không còn hợp lệ. Quy định này được áp dụng liên tục từ năm 1994 đến nay, làm võ sĩ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mất đi một lợi thế lớn, bởi võ sĩ ở khu vực này giỏi sử dụng đòn gối, chỏ.
Từ khi có quy định cấm sử dụng gối, chỏ trong thi đấu, các trận đấu đối kháng võ cổ truyền ít tính hấp dẫn hơn trước, lượng khán giả theo dõi cũng giảm nhiều.
Đại võ sư Hồng Kim Khanh (huyện Tuy Phước), nguyên trọng tài cấp quốc tế bộ môn võ cổ truyền, cho biết: “Trước đây, các trận đấu hấp dẫn với nhiều pha đánh gối, chỏ đẹp mắt, khán giả xem đối kháng võ cổ truyền rất đông. Sau này, những người đứng ra tổ chức võ đài thường phải đi xin tài trợ để bù đắp chi phí vì nhiều khán giả “quay lưng”, khi không còn được xem những đòn đặc trưng của võ cổ truyền, trong đó có gối, chỏ. Hiện giờ, nhiều người từng coi võ đài cách đây trên dưới 30 năm vẫn muốn khôi phục lại đòn gối, chỏ để các trận đấu thêm phần hấp dẫn, gay cấn”.
Nhiều võ sư cho rằng gối, chỏ là một trong những đòn đặc sắc, hiệu quả, nên cần bỏ quy định cấm để bảo tồn và phát huy tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam. Võ cổ truyền bao gồm tất cả các đòn thế, trong huấn luyện quyền thuật vẫn có cả gối, chỏ, nhưng khi thi đấu lại không được sử dụng khiến việc truyền dạy dần mai một; hiện rất ít võ đường trong tỉnh còn dạy đòn gối, chỏ.
Nên gìn giữ nét tinh hoa
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Tôi lấy làm tiếc khi đòn gối, chỏ không được sử dụng khi thi đấu nữa. Bởi để thực hiện thuần thục đòn gối, chỏ, đòi hỏi võ sĩ phải có kỹ năng tốt, do đây là đòn ngắn, phải tiếp cận ở cự ly gần mới thực hiện được. Bên cạnh đó, khi bắt cặp thi đấu, các võ sư, HLV đều nắm được trình độ của đối thủ để quyết định cho học trò mình thi đấu hay không, tránh tình trạng có sự chênh lệch lớn về trình độ. Ngoài ra, võ sĩ khi đã được tập đòn gối, chỏ cũng đồng thời học cách tránh né, đỡ; sức chịu đựng cũng được trui rèn qua năm tháng nên không dễ gì dính đòn hoặc chấn thương nặng vì đòn gối, chỏ”.
“Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức một hội thảo về Việt võ đài, trong đó có bàn về tập luyện và thi đấu đối kháng có sử dụng gối, chỏ”.
Với quan điểm Bình Định là cái nôi của võ cổ truyền, nơi các võ sư, võ sĩ sử dụng đòn gối, chỏ rất hiệu quả, năm 2019, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã giao cho tỉnh tập huấn và thi đấu thử nghiệm nội dung đối kháng có sử dụng đòn gối, chỏ. Qua 3 trận đấu thử nghiệm, giới chuyên môn nhận định: Dù là những VĐV trình độ ở cấp đội tuyển tỉnh, có thời gian tập luyện lâu nhưng việc áp dụng gối, chỏ vào thi đấu không dễ; mỗi trận đấu các võ sĩ chỉ có 4 - 5 lần sử dụng đòn này.
Theo ông Bùi Trung Hiếu, võ cổ truyền là nền tảng để phát triển các môn võ khác tại Bình Định, điều đó đã được chứng minh bằng thành tích của các võ sĩ như Đặng Hiếu Hiền (boxing), Nguyễn Đức Thắng (pencak-silat), Lê Công Bút, Lê Minh Tùng (wushu), Nguyễn Thị Hằng Nga (kickboxing)…, do đó, nếu đòn gối, chỏ được sử dụng trong thi đấu, chắc chắn các võ sĩ còn có điều kiện tiếp cận, thi đấu thành công ở nhiều môn võ khác nữa. “Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức một hội thảo về Việt võ đài, trong đó có bàn về tập luyện và thi đấu đối kháng có sử dụng gối, chỏ. Nếu tham dự, tôi sẽ đóng góp ý kiến để tiến tới gỡ bỏ quy định cấm đòn gối, chỏ trong thi đấu. Điều nay góp phần gìn giữ bản sắc và tính đa dạng của võ cổ truyền, nhưng tất nhiên cần có lộ trình thực hiện bài bản”, ông Hiếu chia sẻ.
Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN