Nuôi cá chua trên biển
Năm 2015, ông Nguyễn Thái Dương, ở thôn Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đầu tư 200 triệu đồng để nuôi cá bằng lồng bè ở cửa biển Đề Gi. Từ 1 bè/12 lồng nuôi, ông Dương thả nuôi 2.000 con cá bớp giống, 3.000 con cá hồng mỹ, 500 con cá mú. Tiếp đà thành công, năm sau ông tăng quy mô lên 2 bè/24 lồng thả nuôi 6.000 con cá bớp, 6.000 con cá hồng mỹ, 500 con cá mú; thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá bằng lồng bè trên biển của ông Nguyễn Thái Dương mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Mỗi năm tôi thả cá nuôi từ tháng 11 âm lịch năm trước đến hết tháng 9 âm lịch năm sau theo kiểu cuốn chiếu, cá đạt trọng lượng khoảng 1,5 - 3 kg/con là xuất bán rồi thả tiếp. Cửa biển Đề Gi có môi trường nước ổn định, cá nuôi sinh trưởng tốt; nguồn mồi cá tươi làm thức ăn có sẵn, giá chỉ tầm 8.000 -10.000 đồng/kg, rẻ hơn các nơi khác. Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, chủ yếu bán cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh du lịch tại Đề Gi và các vùng lân cận”, ông Dương cho hay.
Nhằm đa dạng giống cá nuôi để tăng hiệu quả kinh tế, đầu năm 2020, ông Dương đầu tư gần 30 triệu đồng mua 5.000 con cá chua thả nuôi thử nghiệm trên biển. Trong số các lồng nuôi của mình, ông dành ra 1 ô lồng để chuyên nuôi cá chua; sau gần 4 tháng nuôi, đàn cá chua của ông đạt cỡ 0,3 - 0,5 kg/con. “Cá chua vốn sống trong môi trường nước lợ, nhiều người đã nuôi thành công trong môi trường ao hồ, nhưng khá bất ngờ là khi đưa vào nuôi trong môi trường nước mặn, cá vẫn sinh trưởng tốt, lại có thể thả nuôi bất kỳ thời điểm nào trong năm; cá ăn thức ăn công nghiệp, mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần là đủ. Sau 8 tháng thả nuôi, tôi thu hoạch hơn 3,3 tấn cá chua. Do năm ngoái ảnh hưởng dịch Covid-19, nên tôi chưa lãi nhiều, nhưng điều khiến tôi phấn khởi là có thể khẳng định rằng, hoàn toàn nuôi được cá chua trong lồng bè trên biển”, ông Dương chia sẻ.
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN