Trung Quốc sắp phóng vệ tinh giám sát khí CO2 chủ động đầu tiên trên thế giới
Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng một vệ tinh giám sát môi trường khí quyển chủ động đầu tiên trên thế giới, nhằm thực hiện việc giám sát khí CO2 liên tục trong ngày với độ chính xác cao.
Thông tin trên vừa được ông Trương Hưng Doanh, Phó Tổng công trình sư Hệ thống ứng dụng Công trình vệ tinh giám sát môi trường khí quyển Quốc gia Trung Quốc tiết lộ mới đây.
Theo đó, vệ tinh giám sát môi trường khí quyển sử dụng công nghệ Lidar chủ động thám trắc CO2 đầu tiên trên thế giới sẽ xuất xưởng ở Thượng Hải và sẵn sàng phóng vào tháng 7.2021. Vệ tinh này có thể thực hiện việc giám sát CO2 trong khí quyển tất cả thời gian trong ngày với độ chuẩn xác cao.
Nhà khí tượng học này còn cho biết, đặc điểm nổi bật nhất của vệ tinh này là công nghệ Lidar chủ động phát một luồng laze từ trên trời xuống, giống như chiếu đèn pin, sử dụng cơ chế thu tán xạ ngược và thăm dò hấp thụ chênh lệch, thu thập các số liệu về CO2 trong khí quyển, mây và aerosol.
So với phương pháp viễn thám bị động, tức ánh sáng mặt trời chiếu qua tầng khí quyển xuống mặt đất rồi chiếu ngược lại vệ tinh, thiết bị trên vệ tinh thu nhận thông tin, sau đó tính toán nồng đồ CO2 trong khí quyển, thì cách làm chủ động chiếu lazer có thể thu thập được nhiều dữ liệu quan trắc hiệu quả hơn, không chịu tác động của các tầng mây và aerosol, độ phân giải không gian rất cao, đồng thời không bị ảnh hưởng dù là ngày hay đêm, do vậy có thể tiến hành quan trắc cả ban đêm.
Các dữ liệu được vệ tinh thu thập có thể dùng để giám sát môi trường khí quyển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ông Trương cho rằng, việc sử dụng vệ tinh này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, mà còn cho toàn thế giới. Được biết, Lidar là công nghệ khảo sát tiên tiến để đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu mục tiêu đó bằng một tia laze và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến.
Dự kiến, một hệ thống các vệ tinh khí tượng giám sát CO2 sẽ được thiết lập tại Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) trong bối cảnh nước này đang nỗ lực để đạt đỉnh về lượng khí thải carbon trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.
Theo PV/VOV