Người tốt và người hùng
Anh Mạnh và câu chuyện cứu cháu bé rơi từ tầng 12 một chung cư (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khiến không ít người cảm phục và tán dương. Nhiều tài khoản mạng xã hội đồng loạt chia sẻ hình ảnh, bài viết, video về anh Mạnh với lời ngợi ca như một người hùng.
Nhưng phút chốc, cũng từ mạng xã hội, sau khi một video ở góc nhìn khác được đưa ra, luồng ý kiến trái chiều nổi lên, có cả những lời nghi kỵ, mạt sát. Anh Mạnh hẳn đã có một ngày “lao đao” về cảm xúc, tùy theo mức độ xấu xí của một bộ phận người dùng mạng xã hội...
Tôi đã xem lại video anh Mạnh trả lời các cuộc phỏng vấn thật nhiều lần, anh không hề kể công, nhận thành tích mà còn tiếc vì để cháu bé bị thương. Chuyện anh Mạnh có thực sự đỡ được cháu bé hay không, hay chỉ là một cú chạm tay để giảm bớt lực rơi, điều đó không quan trọng, hơn hết vẫn là điều kỳ diệu của sự sống khi cả cháu bé và anh đều an toàn tính mạng.
Điều anh Mạnh làm được mà nhiều “anh hùng bàn phím” khác, dù bình luận khắp cõi mạng xã hội “lên án” anh chưa chắc đã làm được, đó là lòng dũng cảm. Trong tình huống đó, liệu có bao nhiêu người đủ dũng cảm, bình tĩnh leo lên mái tôn kịp thời đỡ, cứu cháu bé như anh Mạnh? Và khi được dư luận ca ngợi lên mây, có bao nhiêu người đủ “dũng cảm” để bình tĩnh nhận mình không phải là người hùng? Đã rất nhiều lần chúng ta nói về chuyện vô cảm, khi có những người thấy người bị nạn nhưng bỏ đi vì sợ liên lụy; nhưng đến khi có người lao vào cứu giúp một trường hợp cụ thể thì không ít người tìm mọi cách để “soi”. Phải chăng người ta luôn không hài lòng với những ai đang được ca ngợi, kể cả là người tốt?
Qua video, bài phỏng vấn với truyền thông, báo chí, anh Mạnh từ chối hai chữ “người hùng”. Trong thời buổi công nghệ lên ngôi, để nhanh chóng trở thành tài khoản “hot” trên mạng xã hội, không ít người tìm đủ cách tạo dựng cho mình một danh xưng thật oách để tăng thêm lượt yêu thích và theo dõi. Nhưng anh Mạnh từ chối và cho rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng làm thế: “Tôi là một người cha và người cha nào cũng sẽ như tôi nếu ở tình huống đó…”.
Việc tốt không cần nói to, tự thân nó sẽ có cách lan tỏa. Nhưng ở thời buổi tin giả tràn lan, ai cũng có thể lên mạng làm “thánh phán”, “thánh soi”… thì câu chuyện của anh Mạnh cần phải nói thật “to” và thật “rõ”, để người tốt không bị oan và việc tốt được lan tỏa.
Trong cuộc sống, không cần phải gồng mình làm người hùng, chỉ cần làm một người tốt thật tử tế là đủ, như những gì anh Mạnh đã làm. Và hãy ngừng phán xét, ngừng tung hô rồi hạ bệ nhau trên mạng xã hội; hãy để những người đã làm việc tốt được sống cuộc sống bình an của họ, đó cũng là một cách để sống tử tế với nhau.
Theo KIM LOAN (SGGP)