VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN:
Tăng cường tính linh hoạt và hiệu quả
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện trong năm 2020 đã đạt hiệu quả cao, góp phần giúp nhiều người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Dù vậy, công tác này đang gặp một số khó khăn, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt để phát huy hiệu quả tốt hơn.
Hội CTĐ tỉnh làm tốt công tác biểu dương, ghi nhận sự ủng hộ của các DN, qua đó thu hút họ tham gia vào những hoạt động do Hội tổ chức.
Tích cực, công khai, minh bạch
Theo báo cáo UBND tỉnh gởi Bộ Tài chính, năm 2020, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương tiếp nhận hơn 50 tỷ đồng từ các nguồn đóng góp tự nguyện của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện và đã phân phối nhanh chóng, kịp thời đến người dân, đối tượng gặp khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Năm qua, ngoài đợt vận động hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như mọi năm, Hội CTĐ tỉnh còn tiến hành đợt vận động hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tổng số tiền các đợt vận động, tiếp nhận trong cả năm gần 5 tỷ đồng đã được Hội phân phối và sử dụng để tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực.
Theo ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, việc tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng tiền, hàng hóa để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng luôn được thực hiện theo đúng quy định. Hội CTĐ các cấp tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cứu trợ trực tiếp cho người dân, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời. “Tùy theo mức độ thiệt hại ở từng địa phương, Ban Thường vụ Hội CTĐ tỉnh hướng dẫn các đoàn cứu trợ thống nhất với Ban Cứu trợ tỉnh đề xuất, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở đó chỉ đạo bộ phận tài vụ chuyển tiền hoặc tổ chức đoàn đi thăm trực tiếp các hộ bị thiệt hại”, ông Cát trao đổi.
Dịp tết Nguyên đán năm nay, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức chương trình Xuân yêu thương vì bệnh nhân nghèo năm 2021 gồm có 5 hoạt động lớn với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Theo ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai gây ra bao khó khăn, chương trình Xuân yêu thương năm 2021 đã thiết thực góp phần vào công tác an sinh xã hội, giúp người dân vui xuân đón Tết. “Bên cạnh nhiều tổ chức, hội, nhóm thiện nguyện, cá nhân đã nhiều năm ủng hộ, còn có những tổ chức, cá nhân lần đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi, sự vận động của Hội. Điều này khẳng định được uy tín, sức thuyết phục của Hội với các nhà hảo tâm thông qua cách làm việc công khai, minh bạch, theo đúng quy định và đầy trách nhiệm”, ông Ký chia sẻ.
Nâng cao tính linh hoạt, hiệu quả
Với nỗ lực và quyết tâm đặt quyền lợi của người dân khó khăn lên hàng đầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn cố gắng thực hiện tốt nhất công tác vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn hỗ trợ. Dù vậy, trên thực tế, công tác này đang gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của Ban Cứu trợ - Quỹ Cứu trợ tỉnh (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) về tình hình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện trong năm 2020, công tác xét chọn đối tượng còn gấp gáp, gây nhiều áp lực cho địa phương do một số tổ chức, DN đưa ra yêu cầu cứu trợ quá gấp. Kinh phí tổ chức các hoạt động vận động, cứu hộ, cứu trợ khi có thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng… xảy ra của MTTQ các cấp còn khó khăn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương chưa đồng bộ; nhiều hoạt động cứu trợ nhân đạo, từ thiện nhỏ lẻ, diễn ra tự phát, trùng lắp, chưa quy về một đầu mối dẫn đến phân phối không công bằng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị tỉnh có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất công tác cứu trợ xuyên suốt từ tỉnh đến khu dân cư, hộ gia đình; tránh chồng chéo, trùng lắp và có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cũng với tinh thần phát huy tốt nhất nguồn lực đã vận động, tiếp nhận, ông Hà Văn Cát đề xuất tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động thu, chi các nguồn quỹ đóng góp tự nguyện hàng năm nhằm ngăn chặn và phát hiện kịp thời để chấn chỉnh những thiếu sót có thể xảy ra, góp phần hoàn thiện hơn công tác quản lý, sử dụng quỹ.
“Để tránh những bất cập trong công tác vận động cứu trợ, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 của Chính phủ, tránh trùng chéo, tạo thuận lợi trong tổ chức quyên góp, huy động hỗ trợ nhân đạo khắc phục thiên tai, hỏa hoạn”, ông Cát đề xuất.
Bài, ảnh: NGỌC TÚ