NUÔI TÔM THEO CÔNG NGHỆ SINH HỌC SEMI-BIOFLOC:
Năng suất tăng cao, lợi nhuận hấp dẫn
Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-Biofloc không những giảm chi phí đầu tư khá nhiều, năng suất tăng cao, lợi nhuận hấp dẫn mà việc ngăn ngừa dịch bệnh còn đạt hiệu quả tốt nhờ môi trường nước ổn định.
Ông Nguyễn Văn Phát (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) người đã ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1.500 m2 mặt nước và thành công ngay vụ đầu.
Giữa năm 2020, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Phát, ở xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1.500 m2 mặt nước và thành công ngay vụ đầu. Ông Phát cho biết: Công nghệ Semi-Biofloc tạo ra các hạt floc ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, giữ môi trường nước ao nuôi ổn định, nhờ đó kiểm soát được dịch bệnh. Tôm nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc lớn rất nhanh, đồng đều, năng suất cao. Tôi thả 300 nghìn con giống, sau gần 4 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 28 con/kg, thu hoạch khoảng 6 tấn tôm, lãi hơn 300 triệu đồng.
Cuối năm 2020, Trung tâm hỗ trợ thêm một số hộ ở huyện Phù Mỹ và Phù Cát nuôi tôm theo công nghệ này. Thả giống trong điều kiện thời tiết lạnh bất lợi, nhưng tôm của hộ ông Nguyễn Tất Tùng, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát vẫn sinh trưởng tốt. Còn ông Trần Đình Dương, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ phấn khởi chia sẻ: “Công nghệ Semi-Biofloc hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, tận dụng hệ vi sinh vật trong ao nuôi để tăng thêm lượng thức ăn cho tôm, ít thay nước ao nuôi nên giảm khoảng 15% chi phí sản xuất. Tôm to khỏe, năng suất đạt chừng 4 tấn/ha/vụ, cùng một quy mô nuôi nhưng công nghệ mới mang lại nhiều lợi ích bền vững hơn”.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, công nghệ Biofloc sử dụng nước tuần hoàn khép kín, ao nuôi trong nhà kính, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và trình độ kỹ thuật cao. Xây dựng trên nền tảng công nghệ Biofloc, nói nôm na Semi-Biofloc là bán phần Biofloc, kiểu như thâm canh với bán thâm canh. Cốt lõi của công nghệ là tạo và duy trì các hạt floc lơ lửng trong ao nuôi để chúng xử lý chất thải hữu cơ trở thành thức ăn bổ sung cho tôm, làm sạch môi trường nước ao nuôi. Công nghệ Semi-Biofloc đòi hỏi điều kiện ít nghiêm ngặt hơn, phù hợp với trình độ kỹ thuật, khả năng đầu tư của hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ao nuôi ở ngoài trời, có hệ thống lưới che xung quanh để giảm cường độ ánh sáng, hạn chế sự phát triển của tảo là ổn chứ không cần nhà kính, sử dụng nước tuần hoàn khép kín.
Kiểm tra tiến độ phát triển của tôm nuôi tại hồ của ông Nguyễn Tất Tùng, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát.
Ông Huỳnh Văn Máy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) cho biết, xã đang có kế hoạch vận động người dân chuyển sang nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc. Nhiều hộ sau khi tham quan mô hình nuôi tôm của ông Phát rất muốn áp dụng công nghệ này vào các vụ nuôi tôm sắp tới. Còn ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ chia sẻ: Mô hình nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc phù hợp với môi trường tự nhiên của địa phương để phát triển bền vững nghề nuôi tôm thương phẩm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo về nuôi tôm ứng dụng công nghệ này để chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn huyện.
Tỉnh Bình Định có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 951 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh, đây là cơ sở tốt để phát triển, áp dụng công nghệ Semi-Biofloc.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ