Nhân bản vô tính để phục hồi loài có nguy cơ tuyệt chủng
Nhân bản vô tính có tiềm năng phục hồi lại những loài đã tuyệt chủng. Hiện tại, kỹ thuật này được sử dụng để giúp bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Mới đây, các nhà khoa học đã nhân bản loài có nguy cơ tuyệt chủng đầu tiên của Mỹ, một con chồn chân đen được sao chép từ gene của một con khác đã chết hơn 30 năm trước.
Con chồn được đặt tên Elizabeth Ann và đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi chồn sương chân đen của Dịch vụ Cá và Động vật hoang dã ở Fort Collins, Colorado, Mỹ. Ann là bản sao di truyền của một con chồn sương tên là Willa, đã chết vào năm 1988 và được giữ đông lạnh.
Nhân bản vô tính có tiềm năng phục hồi lại những loài đã tuyệt chủng. Hiện tại, kỹ thuật này được sử dụng để giúp bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, chẳng hạn như một chú ngựa hoang Mông Cổ đã được nhân bản vô tính và được sinh ra vào mùa Hè năm ngoái tại một cơ sở ở Texas.
Thúc đẩy nỗ lực bảo tồn
Ông Pete Gober, điều phối viên chương trình phục hồi chồn chân đen, thuộc Tổ chức Cá và Động vật hoang dã Mỹ cho biết: “Với những kỹ thuật nhân bản này, về cơ bản, chúng ta có thể đóng băng thời gian và tái tạo những tế bào đó”.
Nhân bản là tạo ra một loài thực vật hoặc động vật mới bằng cách sao chép các gene của động vật hiện có. Các nhà khoa học đã thu thập số chồn sương chân đen còn lại cho một chương trình nhân giống nuôi nhốt với hàng nghìn con chồn tại hàng chục địa điểm ở miền tây Hoa Kỳ, Canada và Mexico kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, chúng bị thiếu đa dạng di truyền. Tất cả con chồn được giữ lại đều là “hậu duệ” của chỉ 7 con có quan hệ họ hàng gần - sự giống nhau về mặt di truyền khiến chúng dễ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột và các bệnh như dịch hạch cộng sinh.
Khi Willa qua đời, mô của nó được gửi đến một “vườn thú đông lạnh” do San Diego Zoo Global điều hành, nơi duy trì các tế bào từ hơn 1.100 loài. Và các nhà khoa học có thể sửa đổi những gene đó để giúp động vật nhân bản tồn tại khỏe mạnh.
Elizabeth Ann và các bản sao của Willa trong tương lai sẽ tạo thành một dòng chồn chân đen mới và sẽ ở lại Fort Collins để nghiên cứu thêm. Gober cho biết hiện tại không có kế hoạch thả chúng vào tự nhiên.
Ông Ben Novak, nhà khoa học hàng đầu của Revive&Restore, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào bảo tồn bằng công nghệ sinh học, người đã phối hợp trong quy trình nhân bản chồn và ngựa, cho biết: “Công nghệ sinh học và dữ liệu bộ gene thực sự có thể tạo ra sự khác biệt trong nỗ lực bảo tồn các loài”.
Công ty Viagen có trụ sở tại Texas, nơi kinh doanh việc nhân bản mèo với giá 35.000 USD và chó với giá 50.000 USD, cũng chính là nơi đã nhân bản ngựa hoang đến từ Mông Cổ nói trên. Tương tự như chồn chân đen, khoảng 2.000 con ngựa loài Przewalski của Mông Cổ còn sống sót là hậu duệ của chỉ một chục cá thể loài này.
Công ty Viagen đã phối hợp của Revive&Restore tập trung vào công nghệ sinh học nhân bản chồn chân đen từ phôi của Willa. Bên cạnh việc nhân bản, tổ chức Revive&Restore còn thúc đẩy nghiên cứu di truyền về các dạng sống khác nhau, từ sao biển đến báo đốm.
Ngoài ra, Revive&Restore còn dự định nhân bản loài chim bồ câu đã tuyệt chủng hơn một thế kỷ. Nhân bản chim được xem là thách thức hơn nhiều so với động vật có vú, vì đây là loài đẻ trứng. Hơn thế nữa, nhóm thậm chí còn cố gắng mang loài voi ma mút lông cừu, một sinh vật đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trở lại với cuộc sống ngày nay.
Theo H.Phương (Chinhphu.vn)