Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết: Năm 2014, Bộ tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về báo chí; tăng cường phổ biến Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Cùng với việc khắc phục có hiệu quả hiện tượng một số tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, Bộ tập trung chấn chỉnh thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, thông tin không phục vụ lợi ích đất nước, nhân dân. Bộ cũng tăng cường quản lý, cung cấp thông tin, sử dụng dịch vụ Internet, đặc biệt là đưa thông tin trên các trang điện tử, blog, mạng xã hội vào nề nếp; tiếp tục triển khai chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và Đề án Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển đảo Việt Nam.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để định hướng, xây dựng lòng tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là việc thực hiện Hiến pháp và Luật đất đai sửa đổi.
Năm 2013, công tác quản lý thông tin, tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước có nhiều tiến bộ. Bộ Thông tin Truyền thông thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bám sát sự kiện, chủ động thông tin rõ quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Bộ cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tốt giao ban báo chí hàng tuần, các hội nghị báo chí toàn quốc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các thông tin sai lệch của một số cơ quan báo chí.
Các cơ quan báo chí đã tập trung truyền thông về những sự kiện hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước; thông tin, phản ánh toàn diện về những vấn đề xã hội, dư luận quan tâm cũng như về cơ chế, chính sách, những mô hình, điển hình tiên tiến, những thành quả đạt được. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã thông tin tốt về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lễ quốc tang, tình cảm của nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế dành cho Đại tướng. Các cơ quan báo chí cũng tập trung thông tin, tuyên truyền về Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng ở cả trong nước và quốc tế; phổ biến Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; triển khai hiệu quả các đề án tuyên truyền được Chính phủ giao như: an toàn giao thông, an toàn vệ sinh lao động, Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam… và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Tuy nhiên công tác chỉ đạo, quản lý báo chí thời gian qua vẫn đôi lúc chưa chủ động, lúng túng, chạy theo sự vụ. Một bộ phận cán bộ quản lý hạn chế về năng lực, nhận thức chưa đầy đủ về các văn bản chỉ đạo, quy phạm pháp luật về báo chí. Vai trò của cơ quan chủ quản chưa được phát đầy đủ, còn có hiện tượng né tránh trách nhiệm với sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền…
Đến tháng 1.2014, về báo in cả nước có 838 cơ quan báo chí, tăng 25 cơ quan; 375 báo, tạp chí, trang thông tin điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình và một Hãng thông tấn quốc gia là ngân hàng tin đối nội, đối ngoại, chủ quản nhiều bản tin, báo, tạp chí, kênh truyền hình thông tấn.
. Theo TTXVN