Tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình: Tích cực kiểm tra, khắc phục sự cố
Ðến nay, 100% số tàu cá của tỉnh (3.182 tàu) có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tàu cá đang hoạt động trên biển gặp sự cố về thiết bị nên không đảm bảo gửi tin nhắn về bờ theo quy định, gây thiệt hại cho ngư dân. Các đơn vị liên quan đã kiểm tra để khắc phục tình trạng này.
Tại Bình Định, có nhiều đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (thiết bị VMS). Trong đó, có 2 đơn vị lắp đặt với số lượng lớn là Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Định (trực thuộc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT) với 1.835 máy và Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn (trực thuộc Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam - VISHIPEL) với 1.259 máy. Song, nhiều tàu cá đã bị mất tín hiệu hoặc đường truyền tín hiệu thiết bị VMS gián đoạn.
Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra hệ thống thiết bị VMS trên tàu cá của ngư dân Bình Định trước khi xuất bến.
Ngư dân Trần Văn Thanh, ở phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91199-TS, cho biết: “Tàu tôi lắp thiết bị của VNPT Bình Định. Trong chuyến biển tháng 5.2020, gặp lúc thời tiết xấu thì sóng tín hiệu thiết bị VMS bị chập chờn, nhắn tin lúc được lúc không, phía đơn vị lắp đặt thiết bị đã hướng dẫn khắc phục ngay trên biển. Do bị thiếu tin nhắn và chờ xác minh lỗi thiết bị VMS, nên tới giờ tôi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu”.
Còn ngư dân Tăng Thanh Minh, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 96125-TS, bộc bạch: “Tàu cá hoạt động trên biển phải duy trì hoạt động của thiết bị VMS 24/24 giờ theo luật định. Chuyến biển vừa qua, thiết bị VMS tàu tôi gặp sự cố, mặc dù được Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn hướng dẫn xử lý, nhưng trong vòng 10 ngày (từ ngày 1 - 11.2) vẫn không khắc phục được, tôi phải đưa tàu về bờ nên đánh bắt không đạt, khiến lỗ tổn 80 triệu đồng”.
Đầu tháng 1.2021, Chi cục Thủy sản phối hợp với ngành chức năng, các địa phương và các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị VMS tổ chức 3 đợt kiểm tra 69/198 tàu cá Bình Định bị mất tín hiệu kết nối hệ thống VMS trên 10 ngày. Qua đó, xác định một số nguyên nhân cơ bản khiến thiết bị VMS mất tín hiệu hoặc tín hiệu chập chờn để có những giải pháp khắc phục.
Theo ông Lê Tiến Thịnh, Trưởng phòng kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, hằng ngày, đơn vị đều kiểm tra trên hệ thống và gửi văn bản đến Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị kết nối lại dữ liệu để đủ tin nhắn cho ngư dân đối với các trường hợp kết nối dữ liệu giữa VISHIPEL và Tổng cục Thủy sản.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Định, hiện VNPT đã tăng tần suất tin nhắn lên 1 giờ/lần đối với tàu cá từ 24 m trở lên và 2 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m nhưng không tăng cước dịch vụ vệ tinh, để ngư dân đảm bảo số lượng tin nhắn khi gặp lúc tín hiệu chập chờn. Ngoài liên lạc trực tiếp với cán bộ kỹ thuật, ngư dân cũng có thể liên hệ với tổng đài 1800166 của VNPT để được hỗ trợ xử lý các sự cố thiết bị VMS.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình cho biết: Qua các đợt kiểm tra thực tế, chúng tôi xác định nguyên nhân ban đầu là do ngư dân chưa hiểu hết quy trình vận hành, sử dụng thiết bị VMS; cũng có trường hợp lỗi do thiết bị trục trặc; ngư dân tắt nguồn thiết bị do sợ tốn điện bình ắc quy. Qua đó, chúng tôi đề nghị các đơn vị cung cấp thiết bị phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho ngư dân vận hành thiết bị VMS đảm bảo thông suốt. Qua 2 tháng đầu năm nay, tình trạng tín hiệu thiết bị VMS bị mất tín hiệu, tín hiệu chập chờn đã giảm. Tuy nhiên, cả tỉnh vẫn có 67 tàu cá/115 lượt tàu bị mất tín hiệu VMS, trong đó có 8 tàu bị mất tín hiệu trên 10 ngày. Điều này đòi hỏi các đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực trong việc phối hợp với ngư dân bám sát tình hình thực tế để khắc phục.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN