KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ (6.3.1911 - 6.3.2021):
Người cộng sản kiên trung và mẫu mực
Ðồng chí Lê Thanh Nghị là một người cộng sản kiên trung, trọn đời tận tụy, cần kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng chí, đồng bào; là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Xuất thân trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, tại làng Thượng Cốc (nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), đồng chí Lê Thanh Nghị sớm hình thành ý chí cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Năm 16 tuổi, Lê Thanh Nghị ra Hải Phòng làm thợ điện ở Nhà máy điện Cửa Cấm, sau đó ra vùng mỏ làm ở Nhà máy điện Cọc 5, rồi trở về Vàng Danh làm phu mỏ. Đời sống cơ cực của người công nhân giúp ông càng hiểu rõ hơn nguồn gốc những đau khổ, bất công trong xã hội thực dân.
Được giác ngộ cách mạng, Lê Thanh Nghị gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1929, trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng ưu tú trong phong trào công nhân vùng mỏ Đông Bắc. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Thanh Nghị trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.
Cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931 lên cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh. Tháng 5.1930, đồng chí Lê Thanh Nghị bị mật thám Pháp bắt, tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, đồng chí vẫn tiếp tục rèn luyện ý chí, phẩm chất của người cộng sản, học tập chủ nghĩa Mác, văn hóa và ngoại ngữ, chờ thời cơ trở về hoạt động. Năm 1936, đồng chí được ân xá và bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hải Dương. Không quản hiểm nguy, đồng chí lên Hà Nội bí mật tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, góp phần vào phong trào cách mạng dân chủ sôi nổi trong những năm 1936 - 1939.
Giữa năm 1939, được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia Liên tỉnh ủy B (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), đồng chí Lê Thanh Nghị chỉ đạo phát triển đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu vực này. Với những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Hải Dương và vùng mỏ, giữa năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ điều lên Xứ ủy giúp việc đồng chí Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ.
Cuối năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù và đày lên nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 9.3.1945, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, đồng chí được giao trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu II (Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở các địa phương trong An toàn khu II phát triển mạnh mẽ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã.
Tháng 4.1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban quân sự Bắc Kỳ, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều) gồm một số tỉnh miền Duyên hải và Đông Bắc, đồng thời trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.
Người lãnh đạo uy tín và mẫu mực
Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn chấp hành kỷ luật của Đảng, sự phân công, điều động của tổ chức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết. Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn lại bị chiến tranh tàn phá và trong bối cảnh hết sức phức tạp của quan hệ quốc tế, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đem hết nhiệt huyết và khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc vững chắc, nâng cao đời sống, đem lại niềm tin cho nhân dân về chế độ mới và tăng cường tiềm lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tưởng niệm cố Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị. Ảnh: Baohaiduong
Khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn trăn trở, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn trong xây dựng CNXH từ một nước lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào bước đầu đổi mới kinh tế trong nông nghiệp; là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp về quản lý KT-XH khi tham gia công tác của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách: Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên khu III, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ (1960 - 1980), Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (1982 - 1986)… Trên cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân; vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh, phục vụ.
QUY THÀNH