Lễ hội Ðô thị Nước Mặn: Hướng đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Ðô thị Nước Mặn thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống được người dân tiếp nối gìn giữ qua rất nhiều đời. Sở VH&TT đang xây dựng hồ sơ khoa học về lễ hội này để tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hằng năm, vào ngày 29 tháng Giêng đến mùng 3.2 âm lịch, lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức tại di tích chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), thu hút đông đảo người dân tham gia.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử chùa Bà, cho biết: Cùng với sự hình thành và phát triển của cảng thị Nước Mặn ngày xưa, người dân địa phương xây dựng ngôi chùa thờ các vị gồm Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà Thai sanh (bà mụ) và Thành hoàng làng. Việc tổ chức lễ hội ở chùa Bà được người dân tiếp nối gìn giữ qua rất nhiều đời, vẫn mang đậm văn hóa truyền thống qua các lễ nghinh thần, rước sắc, rước biểu tượng ngư - tiều - canh - mục...
Trong công trình sưu tầm, nghiên cứu Cảng thị nước Mặn và văn hóa cổ truyền của cố nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã nêu: “Rước biểu tượng ngư - tiều - canh - mục để tỏ lòng tôn kính công lao vất vả của tổ tiên vào khai phá vùng đất mới. Làm thuyền viễn dương bằng hàng mã trong ngày hội để phô diễn cảnh buôn bán thông thương với nước ngoài. Hát bả trạo, mộc xà leo, múa lục cúng, tục đổ cây bông, rước Hà Tiên Cô ngồi trong búp sen… là thể hiện dung hợp văn hóa Nam - Bắc của người nước Mặn trong lễ hội”.
Trước ngày diễn ra lễ hội, bà con ở An Hòa cùng nhau quét dọn, vệ sinh đường làng, cổng ngõ sạch đẹp. Từng gia đình tổ chức gói các loại bánh truyền thống và chuẩn bị những mâm cơm cúng như một dịp Tết cổ truyền thứ hai trong năm để dâng lên tiền nhân, sau là chiêu đãi khách, họ hàng, bạn bè ở xa về thăm, chúc phúc gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa - gia đình (Sở VH&TT), lễ hội Đô thị Nước Mặn chuyển tải những nét văn hóa bản địa trải qua quá trình giao thoa, tiếp biến, thể hiện tinh thần nhân văn, cầu an, chúc phúc… Đây là dịp sum họp của cộng đồng cư dân Nước Mặn đang sinh sống ở nhiều nơi trong cả nước, cùng ôn lại truyền thống tốt đẹp được bao thế hệ gìn giữ, bồi đắp. Nhằm góp phần quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Đô thị Nước Mặn được tốt hơn, Sở VH&TT đang xây dựng hồ sơ khoa học về lễ hội để tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Luật Di sản văn hóa, việc lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương trong nước để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương. Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài. Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Theo Sở VH&TT, việc xây dựng hồ sơ khoa học di sản lễ hội Đô thị Nước Mặn là một quá trình khá dài. Đến nay, các phần việc của hồ sơ khoa học diễn ra khá suôn sẻ, như việc khảo sát điền dã để bổ sung thêm tư liệu, hình ảnh, video clip… về các nội dung có liên quan theo quy định. Dự kiến trong tháng 3.2021, hồ sơ khoa học lễ hội Đô thị Nước Mặn sẽ hoàn tất để Sở VH&TT tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL xem xét.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Việc xây dựng hồ sơ khoa học để kiến nghị đưa lễ hội Đô thị Nước Mặn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần hoạch định, đề ra kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển KT-XH ở vùng đất được ghi dấu trong lịch sử là một trong những nơi phôi thai chữ Quốc ngữ…
TRỌNG LỢI