Xóa bỏ lò sản xuất gạch ngói thủ công ở Tây Sơn:
Cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo công bằng
Mặc dù trong tháng 12.2020, huyện Tây Sơn đã triển khai nhiều biện pháp để xóa bỏ lò sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng thủ công, song đến nay mới chỉ vận động tháo dỡ được 2 lò, không đảm bảo lộ trình theo Quyết định số 48/2013 của UBND tỉnh.
Theo Quyết định số 48/2013 ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công (lò sản xuất gạch ngói thủ công - SXGNTC), đến ngày 31.12.2016 phải chấm dứt hoạt động đối với các lò SXGNTC trên địa bàn tỉnh.
Lò sản xuất gạch ngói thủ công chưa được tháo dỡ ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn).
Từ tháng 12.2020, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND huyện Tây Sơn đã tiến hành nhiều giải pháp để xóa bỏ lò SXGNTC như: Ngưng cung cấp nước; hiệp đồng với ngành điện cắt điện toàn bộ các lò SXGNTC; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguồn nguyên liệu; thu hồi giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các giải pháp này đều không mang lại hiệu quả cao.
Từ tháng 12.2020 đến nay, huyện mới chỉ vận động tháo dỡ được 2/119 lò. Đặc biệt, qua tìm hiểu của phóng viên, sau khi bị cắt điện, một số lò SXGNTC đã trang bị máy nổ và hoạt động cầm chừng trở lại.
Một người dân vừa tự nguyện tháo dỡ lò SXGNTC ở xã Tây Xuân trong tháng 12.2020, cho biết: “Vẫn biết SXGNTC mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và việc làm cho lao động tại địa phương, nhưng khi nhà nước ban hành chủ trương thì mình phải chấp hành. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn các ngành chức năng của huyện khi thực hiện chủ trương này phải làm đồng bộ, triệt để nhằm tạo sự công bằng. Có như vậy những hộ đã chấp hành chủ trương, tự nguyện tháo dỡ không phải chịu thiệt thòi”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng, hiện các phòng chuyên môn của huyện đang triển khai rà soát, xác định lại nguồn gốc đất của tất cả các lò SXGNTC còn lại trên địa bàn, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu đất chưa giao quyền sử dụng thì sẽ thông báo thời hạn cho chủ lò trả lại đất, nếu không trả thì lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai về hành vi chiếm đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Nếu đất đã giao quyền thì ban hành văn bản thu hồi đất. Trên cơ sở này, sẽ có căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo và cuối cùng là cưỡng chế các lò SXGNTC. Đến nay, huyện đã xác định được nguồn gốc đất của 54 lò SXGNTC, trong đầu tháng 3 sẽ hoàn thành công đoạn này.
“Qua khảo sát, cơ bản người dân đồng tình và ủng hộ chủ trương nhưng phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo công bằng. Sau khi hoàn thành việc xác định nguồn gốc đất, ngay trong tháng 3 này, 2 tổ công tác của huyện (Tổ tuyên truyền vận động và Tổ xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế tháo dỡ) sẽ cùng với các địa phương quyết liệt triển khai các phần việc, phấn đấu hoàn thành tháo dỡ lò SXGNTC trong quý II năm nay”, ông Hùng cho biết.
Có thể thấy, việc xóa bỏ lò SXGNTC ở Tây Sơn quá chậm trễ trong khi chủ trương, lộ trình đã được trung ương và tỉnh đặt ra cụ thể. Vì vậy, huyện Tây Sơn cần nghiêm túc, quyết liệt triển khai công tác này trong thời gian đến.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC