Sinh vật cảnh Bình Ðịnh:
Vẫn rộn ràng khoe sắc
Hơn 4 năm nay, cùng với những trầm kha chung của nền kinh tế, việc kinh doanh sinh vật cảnh (SVC) gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, niềm đam mê và nhu cầu thưởng ngoạn hoa kiểng, non bộ, chim cảnh, cá cảnh, đá cảnh, vườn cảnh… của các nghệ nhân Bình Định vẫn vẹn nguyên.
Khúc thăng
Hơn 15 năm qua, phong trào SVC Bình Định đã phát triển sâu rộng cả về số lượng và chất lượng, cả về yếu tố nghệ thuật lẫn mục đích kinh tế. SVC Bình Định đã đĩnh đạc có mặt tại các lễ hội SVC có tầm cỡ quốc gia và hiện là một thương hiệu mạnh mà giới kinh doanh SVC cả nước biết đến.
Thời kỳ đỉnh cao của phong trào SVC và kinh tế SVC ở Bình Định là vào những năm 2004-2010. Các cấp hội đã tập hợp hơn 9.000 hội viên. SVC đã trở thành một mặt hàng kinh tế có giá trị cao, doanh thu từ sản phẩm SVC trong toàn tỉnh lúc bấy giờ ước tính không dưới 100 tỉ đồng/năm. Những sản phẩm SVC gắn liền với những tên tuổi nghệ nhân, như cây sanh giá hơn 2 tỉ đồng của anh Nguyễn Văn Hùng; nhiều cây kiểng hàng trăm triệu đồng của các anh chị: Nghĩa Đàn, Tý Đô Thành, Tuấn Nhí, Ngọc Sơn, Bá Dũng, Mai Ca, Trần Quang Thiện… đã làm đời sống hoạt động SVC Bình Định thêm nhộn nhịp.
Thế nhưng, khoảng cuối năm 2010, người “săn” kiểng thưa dần rồi vắng hẳn, không riêng ở Bình Định mà trong cả nước. Ban đầu giới kinh doanh SVC cho rằng cây kiểng, nhất là sanh không xuất bán sang Trung Quốc được nên… “dồn hàng”. Thực ra, lâu nay cây kiểng chỉ nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam và hiện không chỉ mình cây sanh bị ế mà toàn bộ những tác phẩm cỡ đại, giá tiền cao đều không có người mua. Đơn giản chỉ vì túi tiền của khách chơi SVC không còn rủng rẻng.
Giữ lửa phong trào
Thị trường hoa kiểng sinh động sẽ kéo theo phong trào SVC mạnh mẽ hơn; ngược lại, phong trào tốt sẽ tập hợp được các nghệ nhân tham gia, có cơ hội giao lưu, nâng cao tay nghề và tạo ra sản phẩm tốt. Nhận thức như vậy nên Hội SVC của tỉnh đã nỗ lực trong hoạt động; cổ vũ và gợi mở cho hội viên đầu tư đúng hướng, phát huy thế mạnh của cây kiểng cỡ trung, tiểu, bon sai và các loại hoa, nhất là trong việc xây dựng thành công thương hiệu “mai vàng An Nhơn”.
Nhờ phối hợp tốt giữa phong trào và kinh tế SVC, thời gian qua, dù gặp khó khăn nhưng các nghệ nhân và người sản xuất, kinh doanh SVC ở Bình Định vẫn hoạt động hiệu quả. Ở TP Quy Nhơn, Chi hội SVC Xuân Lý doanh thu trong năm qua hơn 1 tỉ đồng; các doanh nghiệp khác như Mai Ca, Rô Bi-Tuấn, Bá Dũng, Văn Trung… đạt doanh thu khá từ mai xuân, bon sai, tiểu cảnh.
Các nghệ nhân, các doanh nghiệp SVC của Bình Định cũng có bước đột phá trong khâu tìm kiếm thị trường, tạo mặt hàng chuyên biệt. Tại Phù Mỹ, anh Trương Văn Minh (xã Mỹ Hiệp) thường xuất kiểng bon sai sang Trung Quốc và nhập về các loại chậu kiểng cao cấp, năm 2013 doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Doanh nghiệp SVC Phát Đạt (Tuy Phước) mở hướng khai thác thị trường TP Cần Thơ và miền Tây Nam bộ; Chi hội SVC Thủy Tài xây dựng cơ sở SVC chuyên về cây tùng tiêu thụ ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên khác. Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ SVC Đức Thủy (An Nhơn) kinh doanh cây cảnh trang trí công sở, công viên, xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Hồng Kông… với số lượng khá lớn.
Ngoài ra, Hội SVC Bình Định luôn giữ lửa cho phong trào SVC ở các cấp hội cơ sở bằng việc quan tâm phát triển tổ chức hội và hội viên; tổ chức, tham gia nhiều triển lãm, hội thi, hội chợ SVC như Hội Mai xuân năm Quý Tỵ 2013, quầy trưng bày SVC tại Hội chợ Lâm sản Việt Nam lần thứ 2 (tại Quy Nhơn); tham gia Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5. Ngoài ra, còn ba lần tổ chức Hội thi Chim chào mào hót toàn tỉnh và tại Chi hội Chim cảnh Thu Sa…
Nhờ những hoạt động đầy nhiệt tình, sáng tạo của Hội SVC Bình Định; sự đam mê, dấn thân của các nghệ nhân và sự vượt khó, đột phá, mạnh dạn đầu tư của các nhà kinh doanh, đời sống SVC của Bình Định vẫn luôn sôi động.
Bài và ảnh: NGỌC DIÊN