HTXNN PHƯỚC HƯNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ LÚA GIỐNG:
Một điển hình xuất sắc
HTXNN Phước Hưng, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước là đơn vị đầu tiên của tỉnh phối hợp cùng DN thực hiện thành công cánh đồng lớn sản xuất lúa giống gắn với chuỗi liên kết theo Quyết định 4948/2016 của UBND tỉnh. Việc liên kết thành công mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nông dân các địa phương trong tỉnh tham quan cánh đồng lớn sản xuất lúa BC 15 gắn với liên kết chuỗi tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước.
Liên kết chuỗi - yên tâm đầu tư, tập trung sản xuất
Năm 2017, HTXNN Phước Hưng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed (Thái Bình Seed, ở tỉnh Thái Bình) xây dựng và thực hiện Dự án cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa giống BC15 với 450 nông dân ở thôn Tân Hội và Lương Lộc, sản xuất 100 ha lúa giống 2 vụ/năm. Thái Bình Seed cho nông dân mượn lúa giống gốc và hướng dẫn phương pháp sản xuất thâm canh cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp, khử lẫn và cam kết mua toàn bộ lúa giống của nông dân với tỷ lệ 1 kg lúa giống bằng 1,3 kg lúa thịt.
“Liên kết sản xuất lúa giống giữa HTXNN Phước Hưng và Thái Bình Seed cùng một lúc đảm bảo được rất nhiều tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, tổ chức sản xuất, lao động có việc làm, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hơn nữa, việc liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống tại Phước Hưng còn giúp tỉnh ta từng bước nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu sản xuất lúa giống, thu hút sự quan tâm của nhiều DN, góp phần thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu toàn diện ngành Nông nghiệp”.
Ông ĐÀO VĂN HÙNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Phương án đầu tư, thu mua sản phẩm của DN đã đáp ứng yêu cầu của nông dân. Ngay năm đầu tiên, liên kết chuỗi đã thành công, năng suất lúa đạt cao, công tác tổ chức thu mua sản phẩm được thực hiện một cách bài bản, bà con nông dân rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hải, ở thôn Tân Hội, xã Phước Hưng, chia sẻ: “Tham gia liên kết chuỗi, chúng tôi có điều kiện tiếp cận và áp dụng hiệu quả phương pháp sản xuất tiên tiến, nhờ đó đã giảm được chi phí đầu vào, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Mỗi vụ, tôi sản xuất 5 sào lúa BC15, bán cho DN gần 1,8 tấn thóc giống, lãi hơn 8 triệu đồng, cao gần 2 lần so với làm lúa thịt trước đây!”.
Theo HTXNN Phước Hưng, DN đã mua 675.840 kg lúa giống của nông dân như đã cam kết. Tổng doanh thu từ bán lúa giống cho DN đạt trên 5,35 tỷ đồng, trong đó phần của nông dân là hơn 5 tỷ đồng, còn lại là của HTX. Việc liên kết thành công, hai bên cùng có lợi và đây chính là cơ sở để mối liên kết làm ăn bền vững đến giờ. Ngoài diện tích CĐL, hiện nay HTXNN Phước Hưng còn phối hợp với Thái Bình Seed xây dựng thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất các loại lúa giống: BC 15, TBR 225 với tổng diện tích 423/660 ha đất sản xuất lúa của xã, giúp nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Vừa không còn lo bí đầu ra sản phẩm vừa lại có thu nhập khá, nên ngoài 5 sào ruộng đã được Nhà nước giao khoán, gia đình ông Nguyễn Văn Tư, ở thôn Lương Lộc còn thuê thêm 17 sào khác để sản xuất lúa giống BC 15 bán cho DN.
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho hay: Thành viên HTX không phải lo về đầu ra sản phẩm, cùng một công sức đầu tư nhưng thu nhập lại cao hơn so với sản xuất lúa thịt, nên ai cũng yên tâm đầu tư, tập trung phát triển sản xuất. HTX cũng có nguồn thu đáng kể từ mối liên kết này. Quá trình thực hiện liên kết chuỗi, đặc biệt chúng tôi còn nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đạt hiệu quả hơn.
Phát sinh nhiều lợi ích bất ngờ
Nhờ công tác tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất của HTXNN Phước Hưng bài bản, dần dần mọi việc chạy theo quy củ. Thậm chí dần dần cánh đồng lúa ở địa phương cũng được điều chỉnh, san gạt để bằng phẳng hơn; các thành viên HTX kết hợp tốt tri thức của kinh nghiệm về đồng đất địa phương với tiến bộ KHKT vào thực tế sản xuất. Bà con nông dân ở đây cũng thực hiện nghiêm hợp đồng đã ký kết. Hơn nữa thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa giống đã mang lại nhiều lợi ích cho Thái Bình Seed. Đó là những yếu tố quan trọng để DN duy trì hợp tác làm ăn lâu dài với HTX và nông dân địa phương.
Ông Phạm Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc Thái Bình Seed, cho biết: Qua nhiều năm thực hiện liên kết chuỗi, chúng tôi có điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chủ động được nguồn hàng để cung ứng cho khách hàng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện chúng tôi đang sản xuất khảo nghiệm giống BC 15 kháng bệnh đạo ôn, giống lúa Gia Lộc 25, TBR 87, TBR 97 có năng suất cao, chất lượng gạo ngon để chọn lọc và chuyển giao cho nông dân xã Phước Hưng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, thực hiện liên kết chuỗi đã giúp tăng tính cộng đồng, khắc phục hạn chế chênh lệch đầu tư, chăm sóc cây trồng giữa các nông hộ, tạo sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm. Với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nông dân, HTX và DN đảm bảo mục tiêu: Hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, sự minh bạch và hài hòa lợi ích giữa DN, HTX và nông dân sẽ hạn chế những rủi ro như sản lượng lúa dư thừa, hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.
PHẠM TIẾN SỸ