ÐẦU TƯ TÁI ÐÀN, PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI:
Thận trọng, đảm bảo an toàn dịch bệnh
Trong bối cảnh các loại dịch bệnh nguy hiểm còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát cao, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động, người dân trong tỉnh thận trọng trong việc tái đàn, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.
Đàn heo 800 con là tài sản lớn, nên ông Lê Xuân Quang, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn được chăm sóc chu đáo và quan tâm đến công tác phòng dịch bệnh.
Thận trọng tái đàn
Sau khi xuất bán 1.000 con heo thịt, ông Lê Xuân Quang ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn đã nhập 800 con heo giống từ Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam về nuôi gia công. Ông Quang chia sẻ: So với lứa trước như vậy là giảm 200 con nhưng vấn đề quan trọng hơn là khi giảm quy mô như vậy, mình sẽ tăng mức đảm bảo an toàn dịch bệnh lên thêm một nấc nữa. Tôi cho tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả; hằng ngày phun nước vôi khử độc sát trùng chuồng trại và heo nuôi. Nhờ chăm sóc chu đáo, đàn heo của tôi phát triển đồng đều và an toàn dịch bệnh.
Khác với mọi năm, trong bối cảnh mới, người chăn nuôi gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh đánh giá thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách kỹ lưỡng để quyết định tái đầu tư phát triển chăn nuôi phù hợp. Ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn tại xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, cho hay: “Từ trước tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đến nay, giá gà giảm mạnh và cũng rất khó tiêu thụ. Vì vậy, sau khi xuất bán khoảng 10.000 con gà trong dịp Tết, tôi chưa vội đầu tư phát triển thêm mà tập trung chăm sóc, bảo vệ 20.000 con gà hiện có trong trang trại”.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Huyện khuyến khích các chủ trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, không tái đàn một cách ồ ạt, tốt nhất là sử dụng heo, gà giống tại chỗ để nuôi hoặc mua con giống ở những DN có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhằm phòng ngừa mầm bệnh xâm nhập. Vì vậy, huyện Hoài Ân vẫn duy trì ở mức - đàn heo 260 nghìn con và đàn gia cầm khoảng 850 nghìn con”.
Lực lượng Thú y huyện Phù Cát hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng cho đàn bò.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh (Sở NN&PTNT), đàn trâu bò của tỉnh hiện có khoảng 320 nghìn con; đàn gia cầm gần 8,8 triệu con và đàn heo 1 triệu con. Kết quả khảo sát cho thấy, người dân chủ yếu sử dụng heo giống hiện có hoặc mua tại các cơ sở sản xuất giống tốt và uy tín trong tỉnh về nuôi và có ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài lượng vắc xin tỉnh hỗ trợ hằng năm, nhiều chủ trang trại, hộ gia đình còn mua thêm thuốc thú y tiêm phòng nhiều loại bệnh, dịch nguy hiểm.
Giám sát chặt, phòng dịch bệnh
Hiện nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm đã tái phát trên đàn GSGC tại nhiều tỉnh thành trong nước, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, gây hại đến đàn GSGC của tỉnh. Hơn nữa giá thịt và các sản phẩm chăn nuôi đang giảm mạnh, nên việc đầu tư tái đàn, phát triển chăn nuôi GSGC vào thời điểm này sẽ gặp nhiều rủi ro, bất lợi. Ngày 4.3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, cho biết: UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Tỉnh cũng đã trích ngân sách khoảng khoảng 13,2 tỷ đồng để mua vắc xin hỗ trợ các địa phương phòng, chống các loại dịch bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, cúm. Ngoài nguồn vỗn hỗ trợ của tỉnh, các địa phương phải trích ngân sách tổ chức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi.
Lực lượng thú y TX An Nhơn hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng chống cúm gia cầm cho đàn vịt.
Trước đó, từ ngày 1.1 ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức ra quân tiêm phòng dịch cúm gia cầm cho đàn gà, vịt và từ ngày 1.3 tiêm phòng đợt 1 phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra giám sát hoạt động, mua bán, vận chuyển GSGC ra vào tỉnh. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Chúng tôi yêu cầu người chăn nuôi phải mua GSGC giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn dịch bệnh và phải đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương để kiểm tra, giám sát. Sở NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi tiêm vắc xin và phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh. Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ tại các Trạm kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ để kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển heo ra vào tỉnh, kiên quyết xử lý các chủ phương tiện vi phạm.
PHẠM TIẾN SỸ