Câu chuyện đẹp về một người lính già
Tuy cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn từ năm 24 tuổi, nhưng ông Thái Minh Tuấn, 64 tuổi, thương binh hạng 1/4, ở phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn, vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng và là tấm gương tự lập, tiết kiệm, vì lợi ích chung. Một trong những câu chuyện đẹp về ông là 3 lần từ chối nhận hỗ trợ xây, sửa nhà ở, nhường phần cho những người khó khăn hơn.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đến thăm ông Thái Minh Tuấn (bên phải) trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Năm 1977, khi tròn 20 tuổi và đang học lớp 12, chàng thanh niên Thái Minh Tuấn tự hào lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở thành chiến sĩ công binh, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. 4 năm sau, trong một lần làm nhiệm vụ phá gỡ bom mìn, anh bị thương nặng, đôi chân cứ teo dần rồi liệt hẳn, cuộc đời từ đấy gắn liền với chiếc xe lăn.
Vượt lên nghịch cảnh, người lính ấy vẫn vẹn nguyên tinh thần lạc quan cách mạng. Đầu giường, ông Tuấn treo ảnh Bác Hồ, ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiếc mũ cối và cây đàn ghi ta. Ông bảo, 4 “vật thiêng” ấy nhắc nhở bản thân: Từng là một anh bộ đội Cụ Hồ, luôn sống xứng đáng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Chiếc xe lăn đã thay cho hai chân tàn phế, và tôi còn cả đôi tay kia mà”, đó là những lời ông Tuấn động viên ngược lại mỗi khi người thân, đồng đội, bạn bè, xóm làng tỏ ý ái ngại, chia sẻ với nỗi mất mát của ông. Vậy nên, trong sinh hoạt thường ngày, ông Tuấn tự lập hết khả năng, còn trồng rau, cây cảnh, nuôi ít gà, chim bồ câu để cải thiện kinh tế gia đình vừa cho khuây khỏa. Khó nhọc điều khiển chiếc xe lăn, ông vẫn không bỏ sót một buổi họp, hoạt động nào của hội CCB hay địa phương.
Người lính già còn có tài chơi đàn ghi ta, thích hát nhạc Trịnh, nhạc cách mạng và là “thầy” dạy đàn miễn phí cho trẻ em địa phương lâu nay. Cứ đến hè, hàng xóm lại đưa con, cháu sang nhà ông Tuấn nhờ ông dạy đàn, tập hát. Trong số nhiều cây đàn của ông, có vài cây là từ những cô, cậu học trò trước đây từ thời tiểu học đến khi vào đại học đã tặng lại “thầy” làm kỷ niệm!
Điếu đáng quý ở thương binh Thái Minh Tuấn là ông luôn đặt lợi ích chung lên trên quyền lợi cá nhân. Theo ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn, thương binh Thái Minh Tuấn đã ít nhất 3 lần từ chối nhận chính sách hỗ trợ sửa nhà dành cho người có công.
Cụ thể, lần thứ nhất vào năm 2013, khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 22 về hỗ trợ xây, sửa nhà xuống cấp cho người có công, ông Tuấn nằm trong danh sách nhưng ông đã từ chối nhận, với lý do nhà mình còn sử dụng được, dành phần đó cho người khó khăn hơn. Lần thứ hai vào năm 2017, khi đã hoàn thành chương trình Quyết định 22, tỉnh một lần nữa tiến hành khảo sát nhà ở các đối tượng chính sách để kịp thời chăm lo, ông Tuấn tiếp tục trong diện hỗ trợ nhưng một lần nữa lại từ chối. Và lần từ chối mới nhất là tháng 6.2020, đều cùng lý do trên.
Hiện cả gia đình ông Tuấn (vợ ông, vợ chồng con gái nhỏ và 2 cháu ngoại) sống trong căn nhà đơn sơ, cũ kỹ (số 9, Tăng Bạt Hổ, phường Bình Định), nhưng cả nhà đều thấy thoải mái tinh thần. Theo bà Nguyễn Thị Sáng (vợ ông Tuấn), vợ chồng bà đều có chung quan điểm sống, nên bà rất tôn trọng và ủng hộ quyết định của chồng.
Ông Tuấn tâm sự, tuy đôi chân tàn phế, cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng mình may mắn hơn bao thế hệ cha anh đi trước và đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại. Tưởng nhớ đồng đội, ông càng thấy mình hạnh phúc khi được sống giữa thời bình, trong vòng tay yêu thương của gia đình, quê hương.
Kể về những dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ (27.7), các ngày lễ, Tết…, nhiều lần được lãnh đạo tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, thị xã đến thăm, ông Tuấn bày tỏ cảm xúc: “Mỗi dịp như vậy, tôi xúc động lắm và thầm nghĩ còn biết bao người có công khác trong tỉnh cũng nhận sự tri ân, chăm lo ấy. Với tôi, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước dành cho người có công là rất ý nghĩa, nên việc không nhận hỗ trợ xây hay sửa nhà, và được cả gia đình tôi thống nhất, khi nhà vẫn còn ở được, sử dụng được, thì đó cũng như mình tiết kiệm vậy. Vì đất nước ta còn nghèo, phần hỗ trợ của tôi xin dành cho những người khó khăn hơn, coi như một cách chung vai cùng đất nước”.
Bài, ảnh: SAO LY