Về Phước Quang khám phá giếng Chăm cổ
Tại di tích Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, có một giếng Chăm cổ ngay phía trước chùa. Giếng có hình vuông, đường kính lòng giếng khoảng 1,2 m. Giếng được xây bằng gạch Chăm, người dân ở đây gọi là gạch Hời. Theo ông Nguyễn Văn Chín, Quyền Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Bà, giếng này có từ trước cả ngôi chùa, được bảo tồn khá nguyên vẹn, nước giếng đủ cung cấp cho mọi sinh hoạt của nhà chùa.
Giếng Chăm cổ tại Chùa Bà.
Cũng tại thôn An Hòa, nhà ông Nguyễn Văn Bao (65 tuổi) hiện vẫn đang sử dụng một giếng Chăm lấy nước phục vụ cho mọi nhu cầu của gia đình. Giếng được làm bằng gạch Chăm, đường kính khoảng 65 cm và có độ sâu khoảng 6 m tính từ thành giếng. Theo ông Bao, giếng này đã có từ rất lâu đời, theo lời các cụ truyền lại thì từ đời ông cao của ông đã có giếng và gia tộc đã sử dụng liên tục giếng nước này qua nhiều đời. Cũng như các giếng Chăm khác, chưa khi nào nước giếng cạn hay thay đổi chất lượng.
Khác với giếng nhà ông Bao, giếng Chăm tại nhà ông Nguyễn Đức Mót được làm bằng đá ong, đường kính khoảng 80 cm, nhưng cũng giống như giếng nhà ông Võ Văn Bao, thớt cuối ở đáy làm bằng gỗ sao xanh. Theo ông Mót, người xưa dùng gỗ sao xanh để làm thớt cuối vì khi cảo giếng làm vệ sinh, bùn, cát ở đáy giếng phải hốt đi, cần có thêm bộng lót để tránh giếng bị trụt.
Hiện nay tại khu vực thôn An Hòa, có 4 giếng Chăm cổ hình vuông được bảo tồn khá nguyên vẹn và hiện vẫn được sử dụng, lấy nước sinh hoạt. Các giếng này có đặc điểm là có hình vuông, nước trong, không bao giờ bị phèn, mạch nước ngầm dồi dào, ổn định.
Ông Nguyễn Văn Chín kể, trước khi địa phương có hệ thống cung cấp nước sạch tập trung ở thôn An Hòa, người dân quanh chùa thường đến lấy nước giếng chùa về dùng, giếng chưa bao giờ hết nước. Ngoài 4 giếng Chăm với dấu hiệu nhận biết dễ dàng là miệng giếng hình vuông, thôn An Hòa còn có nhiều giếng cổ xây bằng đá ong, miệng giếng hình tròn và sau hàng trăm năm sử dụng, cả các giếng này đều vẫn rất ổn. Những giếng tròn kiểu này, nhiều khả năng là do người Việt xây dựng trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật từ người Chăm.
Trong sách Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân nhận định giếng Chăm tại Chùa Bà đã có hơn 500 năm tuổi. Người Chăm nổi tiếng giỏi về kỹ thuật thủy lợi, am tường về địa dư, thổ nhưỡng, phong thủy. Họ chọn được chính xác những vị trí có mạch nước ngọt dồi dào, ngay cả tại những vùng cồn cát ven biển, hải đảo. Người dân địa phương ở khu vực Phước Quang từng lấy nước từ các giếng Chăm bán cho tàu thuyền nước ngoài sử dụng trong những chuyến hải trình dài ngày.
Các giếng cổ còn lại đến ngày nay ở khu vực xã Phước Quang là những chỉ dấu văn hóa đặc sắc, minh chứng cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc Chăm, Việt và Hoa.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG SƠN