Khổ qua…
● Tản văn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Bữa trưa hôm nào đó, ghé qua bếp nhà bạn thấy có đĩa khổ qua cắt khoanh tròn luộc xanh ngót mắt, với chén mắm rò cá cơm đâm với tỏi cô đơn trắng nõn, kèm theo màu xanh của ớt trái, màu đỏ có sẵn của ớt bột quê nội làng biển. Mỗi chén mắm thôi cũng đủ kích thích vị giác, chứ đừng nói mắt liếc đắm đuối với đĩa khổ qua luộc trên bàn.
Bởi, lạ. Lần đầu tiên thấy khổ qua luộc.
Tác phẩm Bữa cơm vụ mùa thắng lợi. Tranh của họa sĩ NGUYỄN PHAN CHÁNH
Món ăn cũng là một thứ sản phẩm của nghệ thuật. Người đầu bếp khác chi nghệ sĩ sáng tạo. Tự hỏi, lâu nay rất thích các món luộc như rau củ quả ngũ sắc vậy mà không nghĩ ra khổ qua luộc cũng xanh con mắt đến vậy. Mùa nắng nóng hầm hập này, ăn gì cũng thấy nhạt miệng, dù thức quà ấy có vị ngọt bùi, hay mặn mà thương nhớ, vẫn không đủ sức quyến rũ. Nhưng với vị đắng nhẹ của món khổ qua luộc chấm mắm rin, thêm chút ớt bay vừa đủ cay cay nồng nồng lại khác ngay lập tức. Vị giác con người đôi khi cũng kỳ quặc lắm.
Khổ qua luộc, cách làm đương nhiên là đơn giản như đang giỡn rồi nhưng ăn thì thấm với tê rần đầu lưỡi. Nói triết lý chơi chứ thật lòng, hai vị đắng - cay đó mới làm người ta nhớ lâu, nhớ dai. Dù biết rằng cay với đắng không dễ chịu gì, vẫn thèm cái cảm giác thưởng thức nó, kiểu như ẩn ức của một cái tôi ngạo nghễ đơn độc đầy nỗi niềm thương tổn riêng vậy.
Hôm nào đó, nhớ ra có lần ba nuôi kể câu chuyện về trái khổ qua, rồi tiện thể khoe tài nấu bếp từ thời lính tráng trên biển. Ba cứ thế khêu từng chuyện, từng món ăn liên quan đến trái khổ qua, bỗng thèm rệu rã, nói với ba, “mai con sẽ ra chợ, hốt ngay dăm quả về chế biến các món khổ qua”. Ba cười, nhắn nhủ “chỉ cần làm mỗi khổ qua xào tỏi đập dập là đủ bữa cơm ngon miệng rồi”.
Mà món phổ biến nhất xưa nay nhà nhà đều làm là khổ qua dồn thịt. Cứ cắt khoanh tròn trái khổ qua ra, rồi khoét ruột bỏ đi. Thịt heo băm nhuyễn ướp gia vị mắm muối hạt tiêu, hành thái mỏng, để vài phút cho thấm rồi nhồi vào khoanh khổ qua cắt khúc. Có người thích phi hành thơm rồi cho nước vào bật bếp, đỏ lửa. Nhưng lại có kẻ chỉ thích nấu suông nước, đợi sôi thì thả khoanh khổ qua vào. Thường nấu canh kiểu này, phải để khổ qua chín mềm ăn mới thấy ngon miệng, nhưng nhấc nồi xuống sớm hơn sẽ giữ nhân nhẩn một chút mà vẫn muốn ăn muốn tranh giành hết về chén của mình.
Vẫn nhớ mấy món khổ qua đơn giản khác, như ở quê nội, mỗi lần làm giỗ kỵ đều thấy các dì các chị vào bếp lên mâm đĩa khổ qua xào lòng gà, hoặc xào chay đơm lên trên chút hành ngò. Nếu ăn cơm bình thường, món làm nhanh và ngon vẫn là kiểu khổ qua xào trứng. Còn ăn chơi, thì một đĩa mồi khổ qua sống cắt khúc ướp đá lạnh rắc ít thịt chà bông lên hoặc chấm mắm ruốc cũng đã miệng lắm.
Quanh đi quẩn lại cũng chỉ khổ qua với “khổ quá” thôi. Người miền Bắc cứ gọi nó là mướp đắng cho nhẹ nhàng. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng thể nào nhẹ hơn với cái từ “đắng” mang nghĩa cay đắng/đắng đót từ phận đời đến phận người. Tự dưng lại lẩm bẩm khúc ca buồn thỉu buồn thiu với giọng bà chị Cẩm Ly, hát điệp khúc nghe sầu phát ớn, đã vậy còn khoái ngân nga hoài mãi cái đoạn cuối “tình đắng ôi lý khổ qua, lối cỏ năm xưa ai hẹn ước. Sóng vỗ bờ sông nước ngược dòng. Ai đổi thay lòng... nỡ phụ tình em...”.
Chiều nay còn dư trái khổ qua bữa chợ trước, lại xén xén cắt cắt. Rửa qua, cho vào cái nồi bé bé nấu nước sôi thả nhẹ ít khổ qua đó, vớt ra đĩa nhỏ vừa đủ xanh mắt. Nhà ít người ăn được vị đắng vậy nên mỗi mình thưởng thức món khổ qua luộc chấm mắm rò cá cơm đỏ chót màu ớt, thêm vài củ tỏi cô đơn thơm nồng, chén cơm trắng nữa là đủ đầy dư vị đắng - cay nhớ đời. Khổ quá là một cách hiểu, cũng còn có thể hiểu là cái khổ rồi sẽ qua, sao lại không, hết ngày cay đắng tới buổi ngọt bùi cũng là lẽ đời mà!