Phan Thị Diệu Hằng:
VÐV đa năng, HLV tâm huyết
Phan Thị Diệu Hằng (SN 1976) là một nhân vật thể thao đặc biệt của Việt Nam với chiến tích giành 3 tấm huy chương ở 3 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc với những môn khác nhau. Hơn 20 năm cống hiến cho thể thao Bình Định, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, Diệu Hằng là tấm gương để nhiều lứa VĐV noi theo.
Chiến tích vô tiền khoáng hậu
Với một VĐV thể thao, giành được huy chương ở một kỳ Đại hội TDTT toàn quốc cần rất nhiều nỗ lực, khổ luyện và cả may mắn. Nhưng với “người đặc biệt” Phan Thị Diệu Hằng, cô sở hữu cho mình đủ bộ huy chương vàng, bạc, đồng qua 3 kỳ Đại hội khác nhau ở các môn: pencak-silat, bóng ném và võ cổ truyền.
Cả 3 tấm huy chương này đều có rất nhiều ý nghĩa đối với Diệu Hằng, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp VĐV của cô. Nếu HCB giành được ở hạng cân 55kg môn pencak-silat Đại hội TDTT toàn quốc 1995 là thành công lớn đầu tiên của Hằng ở đấu trường quốc gia, thì HCV hạng cân 51kg Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn quốc 2006 là một kết thúc có hậu sau gần 15 năm cống hiến cho ngành TDTT Bình Định với tư cách VĐV. Còn HCĐ giành được ở giải bóng ném Đại hội TDTT toàn quốc 2002 góp phần làm nổi bật sự đa năng của Diệu Hằng trong những “mối duyên” bất ngờ với nhiều môn thể thao khác nhau.
Nhờ tinh thần tự giác tập luyện và được tham gia tập nội dung tán thủ môn wushu, Diệu Hằng tích lũy được nền tảng thể lực tốt, sử dụng tốt cả đòn tay lẫn đòn chân... Bởi vậy, khi Diệu Hằng nghỉ thi đấu, võ sư Bùi Trung Hiếu, HLV đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định từ năm 2003, chia sẻ: “Diệu Hằng nghỉ thi đấu là một tổn thất lớn đối với đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, bởi cô không chỉ có tố chất đặc biệt của một VĐV mà còn là một người luôn hết mình trong tập luyện và thi đấu. Những gì Hằng giành được khi còn là VĐV rất đáng trân trọng nhưng chưa phản ánh hết những khả năng vốn có của cô”.
Hết lòng vì học trò
Nghỉ thi đấu, Phan Thị Diệu Hằng tham gia công tác huấn luyện ở đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, góp phần đào tạo nên nhiều lứa VĐV xuất sắc, giành được thành tích tốt ở đấu trường quốc gia.
Không chỉ hướng dẫn về chuyên môn, Diệu Hằng còn quan tâm đến chuyện sinh hoạt, ăn ở và nhất là học văn hóa của VĐV. Hơn ai hết, cô ý thức được tầm quan trọng của việc học. Cũng vì vậy mà cô đã nghỉ thi đấu trong 3 năm (từ năm 1998 đến 2000) để đi làm thêm kiếm tiền học bổ túc văn hóa. Gia cảnh khó khăn, nên khi đó, Diệu Hằng phải làm đủ nghề để phụ giúp cha mẹ và mua sách vở học tập. Ngoài những lần làm phụ bếp, rửa chén thuê, cô sẵn sàng nhận cả những việc vốn thường dành cho đàn ông như: rửa xe, sơn cửa… Đến năm 2003, dù luôn bận rộn với lịch tập luyện và thi đấu, cô vẫn cố gắng thu xếp thời gian thi và học khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Quy Nhơn.
Tiếp xúc với Diệu Hằng, ai cũng cảm nhận ở cô sự gần gũi, dễ mến và chân thành. Với các học trò ở đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, cô luôn nghiêm khắc trên sân tập nhưng lại hết sức nhẹ nhàng khi khuyên nhủ, bảo ban. Chính vì vậy, các phụ huynh ở xa có con tập ở đội tuyển rất tin tưởng khi “gửi” cho cô Hằng. Phan Thị Diệu Hằng tâm sự: “Nhiều em khi tham gia đội vẫn không ý thức được tầm quan trọng của việc học văn hóa. Vì vậy, tôi phải kiên trì thuyết phục, kèm cặp để các em tiến bộ dần. Thấy các em tiến bộ, tôi rất vui và xem đó như động lực để tiếp tục công việc này”.
LÊ CƯỜNG