Những “bóng hồng” mạnh mẽ
Hơn 2 tháng qua, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 lại tiếp tục căng thẳng. Cùng với rất nhiều đồng nghiệp nam, phụ nữ trong các lực lượng cũng xông pha “mặt trận” chống dịch với tinh thần kiên cường, mạnh mẽ.
“Xung trận”
Chị Phan Lê Mi Sa, Bí thư Đoàn xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tham gia làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân kê khai y tế tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở xã Tây Thuận. Sau 1 tháng làm bám chốt, căng mình chống dịch, chị phải khổ sở vì chứng bệnh vảy nến mạn tính tái phát, lại đúng dịp Tết. “Căn bệnh này, cứ làm việc quá tải, nhất là ở ngoài trời lâu, da dẻ bị bí là càng nặng”, chị Sa giải thích.
Chị Sa trong một ca trực tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên QL 19, huyện Tây Sơn. Ảnh: SAO LY
Với chị Sa, trải nghiệm trực chốt là kỷ niệm thật đáng nhớ trong đời công tác đoàn. Như vài phút hiếm hoi lúc thưa xe, anh chị em hay xuýt xoa những chồng giấy khai báo y tế dày bằng gang tay chỉ sau chừng nửa giờ làm, rồi những lúc “hướng dẫn khản cả tiếng”, “đọc mờ mắt”, “viết tê dại tay”... Xác định làm cán bộ đoàn là “đâu khó có thanh niên”, nhiệm vụ vừa rồi tuy mới mẻ, khó khăn hơn mọi lần và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng chị Sa vẫn sẵn sàng thực hiện. “Chồng tôi cũng từng là một cán bộ đoàn, anh rất thấu hiểu, chia sẻ cùng tôi. Đưa hai con về ăn Tết nhà nội ở Hoài Nhơn, rồi anh tranh thủ về lại nhà sớm vì lo tôi trực về đuối sức, lười nấu ăn sẽ khó đảm bảo sức khỏe để trực lâu dài”, chị Sa chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Tây Sơn, đi đầu trong phong trào may và tặng khẩu trang phòng chống dịch là chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ cửa hàng bán quần áo và xưởng may Thủy Đăng, ở thôn Mỹ Yên, xã Tây Bình. Hơn 1 năm nay, xưởng may của chị Thủy sản xuất thêm mặt hàng này, và chỉ để tặng! Trong đợt dịch đầu, khẩu trang khan hiếm và ý thức đeo khẩu trang để phòng dịch của người dân chưa cao, ngày ngày chị Thủy mang khẩu ra chợ, các nơi công cộng... trong xã và các xã lân cận phát tặng. Lần nọ, sau khi việc làm “lạ” này được một chị bạn hàng ở chợ quay và đăng lên facebook, chị Thủy bỗng trở thành “nhà tài trợ” khẩu trang cho nhiều nơi.
Chị Thủy đã trở thành “nhà tài trợ” khẩu trang. Ảnh: SAO LY
Trong 2 đợt dịch năm ngoái, chị Thủy đã may, trực tiếp phát tặng 4.100 khẩu trang cho người dân trong xã, gửi tặng TTYT huyện Vĩnh Thạnh 3.000 chiếc, gửi tặng một cơ sở y tế ở tỉnh Quảng Ngãi 3.800 chiếc... Chủ động và “tự phát” như vậy, nên chị Thủy rất bất ngờ, hạnh phúc khi nhận thư cảm ơn của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tây Bình và 2 đơn vị ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Quảng Ngãi mà chị đã gửi tặng khẩu trang. Chị Thủy cho biết: “Đợt dịch thứ 3 này, tuy khẩu trang dồi dào và người dân đã rất có ý thức, song huyện Tây Sơn là địa bàn nguy cơ cao nên tôi đã may dự trữ khá nhiều. Trong những chuyến đi lấy, bỏ hàng, tôi mang theo khẩu trang để tặng cho nơi nào có nhu cầu; bà con nào khó khăn đến mua hàng tôi lại tặng, với suy nghĩ biết đâu có thể góp phần giúp họ an toàn trong dịch. Tôi rất vui khi được góp sức”.
Vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ trong tỉnh được ví là những “chiến sĩ” ở tuyến đầu, phải làm việc quên ăn, quên ngủ và quên cả… chồng con, tết tươi. Khoa Vi sinh BVĐK tỉnh có 22 bác sĩ, cử nhân xét nghiệm thì đã có đến 19 nữ. Hơn 1 tháng qua, mỗi ngày, các chị luôn nỗ lực hết sức để giải quyết 2.300 mẫu - một số lượng khổng lồ, trong đó ngày cao điểm phải xử lý đến 192 mẫu.
Khoa Vi sinh BVĐK tỉnh có 22 bác sĩ, cử nhân xét nghiệm thì đã có đến 19 nữ. Ảnh: Khoa Vi sinh BVĐK tỉnh
Th.S, bác sĩ CKII Trịnh Hồ Tình, Trưởng khoa Vi sinh cho biết, thời gian đó, các chị thường làm đến 1 - 2 giờ sáng và nhiều ngày phải làm đến quá 3 giờ sáng mới nghỉ. “Có rất nhiều áp lực đè nặng lên đội ngũ xét nghiệm đa số là nữ của khoa - giữa trách nhiệm nặng nề trên từng kết quả đưa ra và áp lực phải có được kết quả sớm nhất, trong điều kiện làm việc căng thẳng và lượng mẫu quá nhiều”, Th.S Tình cho hay.
Nói đến trang phục bảo hộ bắt buộc phải mặc khi làm nhiệm vụ trong mùa dịch, tôi đùa: “Tết này không ai mặc “thời trang” được như vậy”, các chị cười thật tươi, bảo tôi mặc thử đi. Bộ đồ kín bưng, bí bách, gây không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ nhưng không thể khác bởi khả năng lây bệnh của vi rút SARS-CoV-2 rất cao nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn sinh học. “Phải làm xong, lúc ra ngoài mới cởi được, có lúc muốn đi vệ sinh lắm nhưng đành nhịn, ráng cho xong kết quả rồi hẵng tính”, các chị nheo mắt nói vui vậy.
Cắm trại 100% ở bệnh viện để xét nghiệm, những người có chồng làm ngành CA, quân đội và ngành y phải đem con về quê gửi ngoại, nội để yên tâm làm việc. Chị Trần Thị Thanh Trầm là một trường hợp như vậy. Chị bảo, lần đầu tiên làm việc trong điều kiện, yêu cầu cao như vậy, nhưng cũng mừng là người thân trong gia đình đều thông cảm, hỗ trợ hết mình để chị yên tâm làm tốt nhiệm vụ.
Ý thức được trách nhiệm của mình về kết quả của mẫu, trong một vài trường hợp không yên tâm, các chị quyết định làm lại. “Trách nhiệm vẫn là hàng đầu, giữa kết quả âm tính và dương tính là bao nhiêu việc phải làm, vậy nên mọi quy trình kỹ thuật đều được thực hiện hết sức chỉn chu và nghiêm ngặt”, chị Phan Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng khoa Vi sinh khẳng định.
NGỌC TÚ - SAO LY