Mong một lần đến với Trường Sa
Một cựu chiến binh đã từng chiến đấu bảo vệ Quần đảo Trường Sa. Một giảng viên trẻ và là thủ lĩnh Đoàn thanh niên vinh dự một lần được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Lại có người chỉ biết Trường Sa, Đá Đông, Đá Lát... qua báo, đài. Họ khác nhau, nhưng có một điểm chung: tình yêu biển đảo vô bờ bến. Những ngày này, họ mong xiết bao được đến với các chiến sĩ Trường Sa, để mang cho các anh những món quà xuân ấm áp nghĩa tình.
1.
Mỗi khi Tết đến, cựu chiến binh Lê Minh Thoa, 46 tuổi (ở nhà số 5D Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn) lại không khỏi bồi hồi bởi ký ức về tuổi trẻ hào hùng năm xưa, về những ngày tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền đất nước CQ-88 năm 1988 trên đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, cứ ùa về. Anh rưng rưng nhớ lại: “Năm đó, anh em chúng tôi vừa ăn Tết Mậu Thìn xong thì xảy ra trận chiến. Giờ chỉ còn lại 9 người, ở các tỉnh khác nhau. Mỗi lần có dịp gặp nhau hoặc nói chuyện qua điện thoại, chúng tôi đều mong được một lần quay lại Trường Sa để thấy sự đổi thay lớn lao của nơi này và để thả vòng hoa tưởng niệm đồng đội đã hy sinh”.
Giữa năm 2013, sau buổi tham quan chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam”, do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức, người cựu chiến binh ấy đã rất xúc động khi được nhìn thấy hình ảnh của đồng đội và quần đảo hôm nay với rất nhiều đổi thay. Mà không cứ gì phải nghe, xem cái gì đó liên quan đến Trường Sa. Nỗi nhớ về miền đất ấy, ước mơ được quay lại đó (dù cuộc sống hôm nay của anh đang bộn bề lo toan) trong anh vẫn thường trực, bởi anh luôn tự hào mình là người lính Trường Sa, và vì nơi ấy, máu của anh và bao đồng đội đã đổ xuống.
2.
Năm 2007, giảng viên trẻ, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn Nguyễn Tường Thành may mắn là thành viên duy nhất của tỉnh có mặt trên chuyến “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” lần thứ I, đến với các chiến sĩ đang công tác, chiến đấu ở Quần đảo Trường Sa, do Trung ương Đoàn tổ chức. Đến giờ, kỷ niệm đẹp nhất mà anh nhớ mãi là hình ảnh thượng úy Nguyễn Hồng Nhật, Chỉ huy trưởng quân sự điểm B đảo Đá Đông, Quần đảo Trường Sa, chạy lại hỏi “Anh là người Bình Định?”, anh Thành gật đầu thì hai người ôm chầm nhau vì là đồng hương.
Ngày trở về, anh Thành trở thành người tuyên truyền về biển đảo nhiệt tình. Anh cùng Đoàn trường tổ chức các hoạt động vì biển đảo, phát động sinh viên quyên góp, viết thư, đan áo... cho chiến sĩ ở Trường Sa... Anh Thành tâm sự: “Sau chuyến đi ấy, tôi có nhiều bài học, niềm tin và tình yêu mãnh liệt quê hương, niềm tự hào về truyền thống dân tộc. Tôi thấy mình trưởng thành hơn trong nhận thức và có hành động đúng đắn. Niềm vui lớn hơn nữa là tôi có những người bạn cùng chí hướng. Dù đã may mắn được đến với Quần đảo Trường Sa, tôi vẫn mong được trở lại nơi này lần nữa, để nhân lên gấp bội lần những hạnh phúc mà mình từng có được”.
3.
Đi nhiều, viết nhiều về đề tài biển đảo, tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm về chị Phan Thị Thu Hằng, 37 tuổi, ở tổ 32, KV6, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, người có một tình yêu biển đảo lớn lao và tâm hồn luôn hướng thiện. Cả cuộc đời chị tần tảo với nghề y, làm việc hăng say để có nguồn thu nhập ổn định và gom góp làm từ thiện. Hình ảnh chị vội vàng chạy đi bán mấy chỉ vàng để thông qua Tỉnh đoàn hỗ trợ cơm trưa cho 500 thí sinh đến dự kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013 ở TP Quy Nhơn làm nhiều người đến giờ vẫn còn nhắc lại. Đó là nhiều người không biết, suốt 15 năm qua, chị cho học sinh và phụ huynh ở trọ đi thi và “bao” hết mọi khoản từ chi tiêu cá nhân, đi lại đến ăn uống cho thí sinh.
Trò chuyện với chị, chị không muốn nói nhiều về mình mà chỉ một mực nhắc: “Nhà báo làm sao giúp tôi có thể có chuyến đi thăm các chiến sĩ ở Quần đảo Trường Sa. Tôi đã làm nhiều bài thơ về các anh và để dành được một ít tiền để mua quà tặng các anh”. Tôi cũng không biết khi nào chị mới thực hiện được mơ ước cháy bỏng đó của mình, nhưng có một điều tôi chắc chắn, tình yêu quê hương đất nước lớn lao ấy trong chị sẽ là chiếc neo để chị trở thành chỗ dựa của bao người khó khăn và cuộc sống chị luôn rạng ngời hạnh phúc.
HẢI YẾN