Bác sĩ quân y Nguyễn Hà Ngọc:
Tôi muốn mọi người thêm yêu Trường Sa
Câu chuyện là trải nghiệm về tình yêu quê hương, và nhiều điều thiêng liêng khác nữa, của một người lính, cũng là một bác sĩ, tại nơi Tổ quốc giữa trùng khơi: Trường Sa. Những chia sẻ đầy xúc cảm cũng như tình yêu đặc biệt của anh với biển đảo quê hương - hẳn vậy, sẽ làm nảy nở những khát khao yêu thương và cống hiến cho dải đất mến yêu hình chữ S này.
Giữa năm 2011, ngay sau sự kiện em bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật sinh mổ tại Trường Sa, cái tên Nguyễn Hà Ngọc, bác sĩ, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, một trong hai bác sĩ thực hiện ca mổ, được nhiều báo, đài nhắc đến. Bác sĩ Ngọc, năm nay 37 tuổi, là người Quy Nhơn, từng có 7 năm công tác tại Bệnh viện Quân y 13 (TP Quy Nhơn) trước khi chuyển vào làm việc tại Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) rồi được điều động ra công tác tại đảo Trường Sa Lớn hơn 1 năm (từ ngày 16.4.2010 đến 28.5.2011).
Những ngày cuối năm Quý Tỵ này, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc khá bận bịu với công việc tại Khoa Ngoại - Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 175, lại vừa phải lo hoàn thành 2 bài viết: Bài thu hoạch về các kỹ thuật mới trong phẫu thuật nội soi khớp vai mà anh vừa học được trong chuyến tu nghiệp tại Hàn Quốc trước đó, và đề cương luận văn tiến sĩ mà anh đang thực hiện. Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc vẫn vui vẻ và dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Bình Định Xuân Giáp Ngọ - 2014. Câu chuyện bắt đầu từ việc anh đã chọn nghề như thế nào.
● Trở thành một người lính quân y, với anh, đó là ngẫu nhiên hay một sự lựa chọn?
- Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba và mẹ đều là bác sĩ quân y (cùng công tác tại Bệnh viện Quân y 13, TP Quy Nhơn). Vậy nên, tôi trở thành người lính quân y như một tất yếu của truyền thống gia đình, của hình ảnh cao đẹp về người chiến sĩ áo trắng. Chưa bao giờ tôi ân hận về những gì mình đã chọn, mà tôi như thêm tự hào với bạn bè, thêm yêu nghề của mình hơn.
● Với Trường Sa, có phải anh đã nghiệm ra những điều quý giá về cuộc sống?
- Sau khi nhận được quyết định ra công tác 1 năm tại Trường Sa, tôi như có cảm giác sống vội, để cố bù đắp những thiệt thòi cho người thân của mình cho thời gian sắp tới.
Lúc mới ra đảo, tôi nghĩ mình sẽ khó mà thích nghi được cuộc sống nơi đây, khi mà mọi cái xung quanh mình đang đầy đủ, hào nhoáng và tiện nghi.
Nhưng, khi đã sống, làm việc và chiến đấu nơi đảo xa, những khó khăn vất vả, những chia sẻ, những tâm sự lúc bên nhau, những câu chuyện thật của đồng đội thân yêu của tôi, đã là những bài học vô giá cho tôi nhìn lại mình… Sự thay đổi hoàn toàn về môi trường sống, điều kiện làm việc, đã làm tôi như ngộ ra nhiều điều về giá trị chân - thiện - mỹ, về lý tưởng sống của thanh niên hiện tại nói chung và của những người lính trẻ nói riêng, về tình đồng chí, đồng đội.
Bạn thử nghĩ xem, có đồng chí 12 năm lính thì 9 năm sống ở đảo, có đồng chí 6 năm quân ngũ thì thảy 6 cái tết đều xa nhà, lại có đồng chí gần 3 năm sống liên tục tại Trường Sa… Họ đều là những thanh niên trạc tuổi tôi (thế hệ sinh sau năm 1975) cả đó. Mà không phải một, rất nhiều đồng đội của tôi như vậy. Tất cả những con người đó, hàng ngày sống bên cạnh tôi, không kêu ca, không so bì, luôn động viên tôi trong những ngày đầu nơi đây, làm tôi thêm thấy mình như quá bé nhỏ so với những cống hiến của họ.
Lại nói về cuộc sống ở đảo, thật kỳ lạ. Con người sống chan hòa với nhau và với thiên nhiên. Tiền bạc hầu như không có giá trị ở nơi này. Mọi người đối đãi với nhau bằng tình người, cuộc sống bình yên và thân thuộc. Ai đã đến Trường Sa đều có cảm giác như mình vừa được sinh ra một lần nữa, được sống lại những cảm xúc trẻ thơ.
Rồi, từ những câu chuyện về lịch sử và hiện tại, khi máu và mồ hôi của bao lớp cán bộ chiến sĩ đã đổ xuống nơi đây, tôi nhận ra được giá trị chủ quyền biển đảo. Và từ đó, tôi nhận ra, cái nét đẹp của thanh niên chúng ta là sống có cống hiến, biết hy sinh, biết tự hào về lịch sử hào hùng của quân và dân ta.
Tôi đã nghe, đã đọc những câu chuyện báo chí viết về sự kiện bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, em bé đầu tiên chào đời trên đảo Trường Sa vào năm 2011, mà chữ “Ngọc” trong tên em chính là lấy từ tên của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc. Bé là con gái thứ 3 của gia đình anh Nguyễn Tấn Thi và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy. Nhưng bé còn có hai người bố nuôi: Bác sĩ Hồ Xuân Lãng, bác sĩ Khoa sản BVĐK Khánh Hòa, người đặt đường dao đầu tiên trong ca sinh mổ, và bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc. Trường Xuân còn có nghĩa là mùa xuân ở Trường Sa.
● Hẳn anh sẽ không bao giờ quên ca mổ ấy?
- Vâng, sẽ không bao giờ. Lúc đó, qua siêu âm, thăm khám, chúng tôi xác định đây là ca khó, không thể sinh thường. Chị Thúy bị u xơ tử cung. Khối u có đường kính hơn 10 cm. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai phụ càng phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiểu ối và nhau quấn cổ thai nhi. Sau khi báo cáo về đất liền với lãnh đạo, Bệnh viện Quân y 175 quyết định dùng phương pháp mổ đẻ, bảo đảm an toàn cho mẹ và con.
Ngay lập tức, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa Hồ Xuân Lãng được cử cấp tốc ra chi viện cho y tế đảo. Ca mổ được tiến hành với sự hỗ trợ của Bệnh viện Quân y 175 qua cầu truyền hình. Đúng 10 giờ 42 phút ngày 4.4.2011, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân ra đời, đánh dấu sự kiện công dân đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật sinh mổ ở đảo Trường Sa. Thời khắc ấy, với tôi, tiếng khóc chào đời của bé vang lên như một minh chứng cho sự bình yên nơi đảo xa, cho quyền chủ quyền và tiếp thêm niềm tin để người dân an tâm định cư nơi Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Với mỗi cán bộ chiến sĩ chúng tôi lúc ấy, Nguyễn Ngọc Trường Xuân không chỉ là một công dân trên đảo, mà chúng tôi luôn xem em là một đồng đội của mình. Vì vậy, trong các cuộc vui lớn, bé luôn là vị khách mời đặc biệt.
● Và như thế, từ ca mổ trên cho thấy, đảo xa luôn nhận được sự hỗ trợ, tiếp ứng kịp thời từ đất liền?
- Chúng tôi ở đảo nhưng không đơn độc. Bệnh xá chúng tôi luôn có sự ứng cứu khẩn cấp kịp thời từ những đồng đội trong đất liền khi có yêu cầu, mà việc ứng dụng cầu truyền hình trong chỉ đạo phẫu thuật giữa Bệnh xá đảo Trường Sa và Bệnh viện 175 tại TP Hồ Chí Minh trong ca mổ đẻ nói trên là một ví dụ sinh động. Ngoài ra, còn có những chuyến trực thăng chuyển bệnh nhân từ đảo vào đất liền cấp cứu sau khi đã được sơ cứu, điều trị ban đầu tại Bệnh xá đảo.
Còn một điều này nữa, chúng tôi đã từng tiếp nhận những ca bệnh nặng, trong điều kiện về phương tiện, thuốc men và con người thiếu thốn, với tiên lượng cái sống - cái chết của bệnh nhân trong gang tấc, nhưng lạ kỳ thay, trong suy nghĩ của mỗi người chiến sĩ quân y chúng tôi không có khái niệm bó tay nhìn người bệnh. Không phải vì mình làm chủ được tình huống, vì quá tài giỏi, mà là vì người bệnh, dù là ngư dân hay người dân sống trên đảo, đều chính là đồng chí - đồng đội của mình trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
● Được biết, anh có cả một kho tư liệu ảnh quý giá về Trường Sa do chính anh chụp. Anh đam mê nhiếp ảnh hay còn vì một điều gì khác?
- Sau hơn 1 năm công tác tại đảo, “gia tài” của tôi từ Trường Sa mang về, ngoài những trải nghiệm về cuộc sống và công việc, còn có gần 5.000 tấm ảnh, bao gồm rất nhiều lĩnh vực đời sống ở Trường Sa. Tôi chụp một người dân chiều đi làm về, vừa đi vừa thổi sáo; tôi chụp những cảnh luyện tập, lao động, sinh hoạt hàng ngày của người dân, của lính đảo; tôi ghi lại bằng hình ảnh vòng đời của một đóa hoa bàng biển; rồi cả những “sáng kiến” của người dân, chiến sĩ khi tận dụng đến cùng những vật dụng đã hỏng, để thích nghi và tự nâng cao chất lượng cuộc sống ở đảo...
Kho ảnh ấy là tài sản tinh thần vô giá mà tôi để dành làm kỷ niệm cho riêng mình sau khi rời đảo quay về lại đất liền. Tôi làm điều đó là để thể hiện tình cảm, sự trân trọng của mình đối với Trường Sa thân yêu. Hơn hết, tôi muốn mọi người hiểu biết hơn và có một cái nhìn khác về Trường Sa.
● Xin cảm ơn anh.
NGUYÊN SƯƠNG (Thực hiện)