Lính trinh sát ngoại truyện
Đó là những câu chuyện quen thuộc hàng ngày, gắn liền với chiến công của những người lính mang quân phục xanh màu lá mạ, nhưng không phải ai cũng biết chứa đựng trong đó là tất cả những niềm vui và những nỗi buồn…
“Không có dân, mình bí”
Tôi gặp đại úy Phạm Thế Hưng, trinh sát Đội truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52), Công an (CA) tỉnh vừa sau chuyến anh “nằm vùng” nửa tháng tại núi rừng huyện Đức Cơ (Gia Lai), phục bắt đối tượng Thái Văn Long (SN 1982, quê ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), bị CA huyện Hoài Nhơn phát lệnh truy nã năm 2010 về tội cố ý gây thương tích.
“Tôi đóng giả lâm tặc, theo dõi nhất cử nhất động của Long tận rừng sâu. Sau này, nghe người dân địa phương nói chỗ tôi phục nhiều rắn hổ mang lắm, giật cả mình. Nhưng lúc ấy hăng bắt được đối tượng, nếu được cảnh báo trước thì cũng chẳng sá gì nguy hiểm đâu…”, đại úy Hưng cười tỉnh bơ. Lần đó, Hưng bò sang tận Măng Đen, huyện KonPlong (Kon Tum) vào tận nhà của lâm tặc, thám thính tin tức của Long.
Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi, Phó Phòng PC 52, cho biết, đại úy Hưng được Phòng tin tưởng giao thực hiện các vụ án khó vì anh có kinh nghiệm, sức khỏe và chưa vướng bận chuyện gia đình. Rồi anh tự hào: “Nghiên cứu kỹ tình hình đặc điểm, tâm sinh lý, sở thích và các mối quan hệ của đối tượng để lên phương án tiếp cận bí mật, bất ngờ là phương pháp làm việc của chúng tôi. 3 năm nay, Phòng chưa cần nổ phát súng nào trong lúc truy bắt đối tượng. Bình Định cũng là một trong 6 địa phương trên toàn quốc được Tổng Cục truy nã tội phạm, Bộ CA khen thưởng trong công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú và tổ chức xác minh truy bắt đối tượng truy nã năm 2013”.
Nhưng, thượng tá Lợi tiếp lời ngay: “Nếu không có dân thì không tài nào làm được gì. Mình bí. Thực sự bí…”. Như vụ truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt Huỳnh Đăng Lào (SN 1977, Mỹ Trinh, Phù Mỹ), sau khi giết chết em vợ vào đêm 24.6.2013, đã bỏ trốn vào Kiên Giang, theo tàu đi đánh cá ngoài khơi. Sau khi được một quần chúng tốt thông báo về sự di chuyển của Lào, các lực lượng CA tỉnh liên tục đeo bám hắn suốt 3 tháng ròng rã ở ngư trường các tỉnh phía Nam, đến ngày 20.9.2013 mới bắt được y tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Hay như vụ truy nã Thái Văn Long, đối tượng di chuyển đến đâu, dân liên tục phát hiện đến đó, thông báo kịp thời đến đó.
Trung tá Nguyễn Ngọc Thanh, Đội phó Đội Đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến, địa bàn và truy bắt đối tượng truy nã, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC 45), CA tỉnh, đã được khen thưởng nhiều lần về những chiến công truy bắt tội phạm, cũng cho rằng trong công tác phá án, nếu không có sự giúp sức, hỗ trợ nhiệt tình của nhân dân, sẽ rất khó xác định được đầu mối, lần ra dấu vết của đối tượng. Như vụ cướp tại tiệm vàng Ngọc Thiện Phẩm (tháng 3.2010) mà anh trực tiếp tham gia, nhờ một chủ tiệm vàng trên huyện Tây Sơn tình cờ mua vàng của hai tên cướp điện báo cho đồng nghiệp, mà tổ công tác do anh phụ trách đã phá án chỉ trong vòng 48 giờ, thu giữ 15 cây vàng trả cho bị hại.
Trinh sát ngoại truyện
Trung tá Thanh vẫn nhớ như in vụ vây bắt, đón lõng Hoàng Ngọc Thịnh (21 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), cầm đầu băng cướp 6 tên, gây ra 4 vụ giết người, cướp tài sản liên tiếp trên quốc lộ 19 vào các ngày 26 và 27.10.2012. Khoảng 2 giờ ngày 28.10.2012, Thịnh đi xe máy đến đoạn Cát Tân (Phù Cát) thì bị tổ công tác CA tỉnh chặn bắt. Trung tá Thanh nhớ lại: “Hắn bỏ xe máy, chạy bộ. Thịnh chạy rất khỏe. Tôi nói với cậu đồng nghiệp, sống chết gì cũng phải bắt được. Khi Thịnh bị bắt, hắn giơ tay: “Em xin đầu hàng. Mấy anh giỏi mới bắt được em đấy, mấy đợt trước lần nào em cũng chạy thoát cả (Thịnh có 2 quyết định truy nã của CA tỉnh Kon Tum trước đó- PV)”. Đến đây, giọng trung tá Thanh chùng hẳn: “Vô tư, hắn hỏi tôi, em xin ba em vào bảo lãnh có được không? Tội em vậy liệu ngồi tù đến 5 năm không anh?... Thịnh đã bị tuyên án tử hình vào tháng 7.2013 về hai tội: giết người và cướp tài sản”.
Lính trinh sát, phải hóa trang để làm nhiệm vụ, vì vậy gặp tai nạn nghề nghiệp cũng là chuyện khó tránh khỏi. Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi từng bị bảo vệ một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh xua đuổi, đòi đánh vì tưởng là kẻ gian đến rình mò, lấy trộm đồ của khách. Đại úy Hưng thì do ngụy trang quá khéo nên buổi sáng anh đến cơ quan địa phương làm việc với tư cách CA thì được hỗ trợ nhiệt tình, chiều quay lại, trong bộ trang phục khác, tư thế khác, thì bị người ta hỏi: “Anh là ai mà vào đây?”. Nhắc ra họ mới nhớ.
Một tháng 30 ngày thì có đến 25 ngày đại úy Hưng rong ruổi trên đường, truy bắt các đối tượng ở ngoại tỉnh. Lần đánh án đáng nhớ nhất của Hưng nằm ở “kỷ lục” 10 ngày không tắm rửa, không ăn được bữa cơm nào. Đó là năm 2010, Hưng truy bắt một đối tượng liên tục di chuyển từ Cà Mau lên Bình Dương, qua TP Hồ Chí Minh rồi xuống các tỉnh miền Tây. Chỉ ăn bánh mì, bắp rang bơ và uống cà phê đen, nên anh bị ốm, song nhất quyết từ chối đi bệnh viện vì không muốn mất dấu đối tượng. Cũng có lần, đang theo dõi đối tượng ở công viên Lê Thị Riêng (TP Hồ Chí Minh), anh lại bị chính những người dân ở khu vực này theo dõi vì ngỡ rình trộm xe máy. Mãi cho đến khi Hưng quật ngã, bắt gọn đối tượng người dân mới biết đó là “công an chìm”.
Đúc kết đời lính trinh sát, thượng tá Lợi tâm tư, điều khiến anh hay ưu tư, thấy mình như có lỗi nhất với vợ con là phải đi công tác nhiều, có khi xa nhà biền biệt cả tháng trời. Để rồi, anh tự an ủi bằng câu: “Bà xã quen rồi, thấy chồng xách túi lên đường lại bảo, chân cứng đá mềm anh nhé”.
Còn trung tá Thanh thì tâm sự: “Lại một cái Tết nữa sắp đến. Lính trinh sát chúng tôi chỉ mong xã hội được bình yên, để chúng tôi được hưởng cái Tết vui vẻ, an nhàn như mọi người. Cách đây 3 năm, nhiều cán bộ chiến sĩ, trong đó có tôi, cùng đón Tết tại Phước Sơn (Tuy Phước) để điều tra vụ giết người đốt xác phi tang gây xôn xao dư luận. Mỗi lần điều tra xong một vụ án, nhẹ như trút được gánh nặng ngàn cân, những chuyện bực mình vu vơ cũng tiêu tan luôn…”.
NGUYỄN SƠN