THỊ TRƯỜNG SƠN NƯỚC:
Nhãn hiệu trong nước có ưu thế cạnh tranh
Thị trường sơn nước tại Bình Ðịnh có rất nhiều chủng loại, đặc tính kỹ thuật và cả thang giá. Trong đó điểm nổi bật là các nhãn hiệu trong nước như Kova, Roxo, Alex, Infor… có nhiều ưu thế để cạnh tranh sòng phẳng với sơn ngoại.
Các nhãn hiệu sơn Việt Nam dần được khách hàng lựa chọn sử dụng cho căn nhà của mình.
Theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Bình Định, trên thị trường sơn trong tỉnh có khoảng 100 DN phân phối sơn. Trong đó các nhà phân phối những nhãn hiệu lớn như: Jotun, Dulux, Nippon Paint, 4 Oranges… chiếm khoảng 60% thị phần. Đặc biệt thời gian gần đây, nhờ chất lượng ngày càng cao, trong khi giá bán hợp lý, sản phẩm do các DN trong nước sản xuất như Kova, Galaxy, Alex, Kavic, Joton, Jymec... đã có thêm nhiều ưu thế cạnh tranh. Ông Lê Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH tổng hợp xây dựng Đạt Phú, đường Hàn Mặc Tử, TP Quy Nhơn cho biết: “Khi tư vấn cho khách hàng chọn loại sơn, chúng tôi nhận thấy vấn đề giá cả được nhiều người đặc biệt quan tâm, thứ đến là khả năng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, nhất là đối với các công trình lớn. Sau cùng mới đến yếu tố nhãn hiệu, xuất xứ”.
Theo ông Dũng, giá của nhóm sơn ngoại cao hơn nhiều so với sản phẩm do các DN trong nước sản xuất chủ yếu lại do yếu tố uy tín nhãn hiệu. Trong khi đó, chất lượng sơn nội hiện nay có nhiều công năng không thua sơn ngoại trên nhiều tiêu chí kỹ thuật từ khả năng chống thấm cho đến độ bền, hơn nữa thang giá của sơn nội rất rộng, đủ đáp ứng nhiều khả năng chi trả khác nhau của khách hàng.
Ông Nguyễn Thành Thái, đường Nguyễn Trung Trực, TP Quy Nhơn cho biết: “Vừa khởi công đã có quá nhiều nhân viên chào hàng của các hãng sơn đến giới thiệu sản phẩm. Nhưng sau khi tham khảo giới chuyên môn, tôi quyết định lựa chọn sử dụng sơn Việt Nam bởi chất lượng chênh nhau không nhiều nhưng chi phí giảm xuống chỉ còn một nửa”.
Trước đây, khách hàng e ngại khi chọn sơn nội vì nhiều lý do, trong đó pha màu chờ đợi mất thời gian, nhưng nay thì khác. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sendai khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: “Công ty có 20 nhãn hàng về sơn. Chúng tôi đặt nhà máy sản xuất sơn Bình Định 1 ngay tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Do đó, các loại sơn của chúng tôi có giá bán rất cạnh tranh vì giảm được nhiều loại chi phí từ khâu sản xuất đến vận chuyển, giao sơn cho khách hàng. Lấy ví dụ ở Bình Định, khoảng 2 giờ sau khi ký hợp đồng khách hàng sẽ nhận được mẫu sơn mình chọn”.
Ngay từ đầu mùa xây dựng năm nay, điểm dễ nhận thấy là các hãng sơn nội đã nỗ lực rất lớn để cạnh tranh, giành thị phần bằng việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm và đặc biệt là phát triển toàn diện hệ thống phân phối, tiếp thị sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Cường (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) thợ sơn tự do cho biết: “Tôi làm thợ sơn đã 15 năm và có để ý nên biết. Trước đây để đảm bảo độ bền vững chủ nhà thường chọn sử dụng sơn ngoại, đặc biệt là lớp sơn kiềm chống thấm bên ngoài, nơi tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng. Còn bên trong thì dùng các nhãn hàng rẻ hơn. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ chất lượng ngày càng tốt, giá cả có sức cạnh tranh hấp dẫn, các dòng sơn Việt Nam được chọn dùng ngày càng nhiều”.
Theo các chuyên gia thì các hãng sơn Việt Nam đang tập trung nghiên cứu và phát triển tính năng độc đáo để giúp cho các DN nội duy trì được thương hiệu, sản lượng và thị phần. Thị trường sơn cạnh tranh quyết liệt, từ giá bán, chất lượng, chế độ hậu mãi dành cho khách hàng. Do đó, các nhà phân phối hoặc tiếp thị giảm giá mạnh hoặc có khuyến mãi, bảo hành để thu hút khách hàng.
HẢI YẾN