Mầm xanh đất võ
Nhiều năm qua, đất võ Bình Định luôn được tiếp nối bằng các thế hệ VĐV chất lượng cao, đoạt nhiều thành tích tại các giải đấu quốc gia và của tỉnh. Để có những “mầm xanh đất võ” ấy, các võ đường trong tỉnh đã tâm huyết với công việc “vun trồng”.
Nảy mầm trên đất tốt
Đến võ đường Phi Long Vinh (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) của võ sư Thái Hùng Vinh vào một buổi tối mùa đông. Bước vào sân võ đường, có đến mấy chục thiếu nhi đang hăng say luyện tập. Nổi bật trong số này là Thái Thị Nhật Lệ (15 tuổi), con gái út của võ sư Vinh, với những động tác mạnh mẽ, thần thái biểu diễn tốt. “Được ba truyền dạy võ từ năm 7 tuổi, đến nay ngoài sở trường nội dung hội thi, em được luyện tập và thử sức ở gần chục trận thi đấu đối kháng”, Nhật Lệ tâm sự.
Từ năm 2007 đến nay, Nhật Lệ thường xuyên đoạt huy chương Vàng ở các giải võ cổ truyền toàn tỉnh; năm 2010 còn đoạt huy chương Vàng giải võ cổ truyền trẻ toàn quốc. Vậy mà, thành tích của Lệ còn khá “khiêm tốn” so với anh ruột Thái Hùng Linh (19 tuổi), hiện là VĐV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, đã được phong danh hiệu kiện tướng. Chỉ trong năm 2013, Thái Hùng Linh đã đoạt 8 huy chương các loại ở các giải đấu cấp tỉnh và quốc gia.
Võ đường Phi Long Vinh luôn giữ vững thành tích đào tạo VĐV chất lượng cao trong 20 năm qua. Năm 2012, võ đường giành giải Nhì nội dung hội thi ở giải dành cho CLB, góp công lớn giúp huyện Tuy Phước giành cờ Nhì toàn đoàn. Ở Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2013, võ đường giành cúp hội thi với 4 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng.
Nhiều năm qua, võ đường Hồ Bé cũng đã phát huy tích cực truyền thống dòng họ Hồ vang danh làng roi Thuận Truyền để đi đầu trong việc giữ gìn danh tiếng đất võ Tây Sơn. Võ đường đã đoạt cúp vô địch đối kháng tại Giải võ cổ truyền các CLB tỉnh năm 2006, 2007, 2010 và cờ CLB xuất sắc nhất năm 2010. Tại Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT tỉnh tổ chức vào tháng 7.2013, võ đường đã đóng góp lực lượng VĐV chủ lực, giúp đoàn võ cổ truyền huyện Tây Sơn dẫn đầu đại hội. Võ sư Hồ Bé cho biết: “Mạch nguồn truyền thống đam mê võ thuật của người dân Thuận Truyền giúp võ đường chúng tôi luôn có nhiều người luyện tập, nhất là vào hè thường xuyên có từ 120-150 em”.
Hiện là thành viên đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung, chuẩn võ sư Hồ Sỹ (em ruột võ sư Hồ Bé) đã xin phép dạy võ cho học trò tại Bảo tàng để gìn giữ truyền thống thượng võ. Bùi Trúc Lượng, học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn), tâm sự: “Hồi nhỏ em “đẹt” quá nên năm học lớp 8 em mới được ba mẹ cho luyện tập với thầy Hồ Sỹ… Tại Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT tỉnh năm 2013, hai tiết mục đối luyện “tay không chống tay không” và “tay không chống binh khí” của em đã đoạt được huy chương Vàng và huy chương Đồng. Em mừng đến rơi nước mắt”.
Ăn quả ngọt nhớ người vun trồng
Ngoài dạy võ tại nhà riêng, những dịp hè vài năm gần đây, võ sư Thái Hùng Vinh còn chịu khó lặn lội dạy võ tại nhiều trường học ở các xã Phước Nghĩa, Phước Lộc, Phước Hưng (huyện Tuy Phước) để tìm kiếm thêm “mầm xanh” nhằm đào tạo những VĐV chất lượng cao. “Tôi nhớ mãi chuyện học trò Nguyễn Quốc Tiễn rất có năng khiếu nhưng cha mẹ em không muốn con học võ. Phải kiên trì vận động, riết rồi gia đình mới chấp thuận cho Tiễn luyện tập cùng tôi trong hai năm. Nhờ vậy, mới có VĐV Nguyễn Quốc Tiễn (đội tuyển võ cổ truyền tỉnh) đoạt nhiều huy chương Vàng tại các giải võ cổ truyền toàn quốc như hiện nay”- võ sư Thái Hùng Vinh tâm sự.
Chuẩn võ sư Hồ Sỹ cũng sắp xếp thời gian dạy võ tại một số điểm ở thị trấn Phú Phong. Phát hiện được em nào năng khiếu tốt, Hồ Sỹ đưa về luyện tập tại Bảo tàng Quang Trung để có điều kiện kèm cặp. Anh cho biết: “Để “giữ chân” các em có năng khiếu với võ cổ truyền. Những học trò ở xa, tôi linh động dạy võ vào thời gian phù hợp; những học trò có hoàn cảnh khó khăn, tôi miễn học phí…”. Hồ Thị Như Ý (13 tuổi), học trò xuất sắc của chuẩn võ sư Hồ Sỹ, tâm sự: “Biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn, thầy đã miễn học phí và quan tâm kèm cặp nhiều hơn. Để đền đáp ơn thầy, em cố gắng luyện tập và đoạt nhiều huy chương tại các giải võ cổ truyền của tỉnh”.
Gặp VĐV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Trần Thị Tuyết Trinh (19 tuổi) khi cô đến thăm cô giáo dạy võ đầu tiên của mình- HLV Phan Thị Kim Huệ, ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Sau 9 năm rèn luyện trong môi trường VĐV chuyên nghiệp, Tuyết Trinh đã đoạt nhiều huy chương nội dung hội thi, được phong danh hiệu kiện tướng. Năm 2011, cô được công nhận là một trong những VĐV tiêu biểu của tỉnh. Tuyết Trinh tâm sự: “Có được thành công ngày hôm nay, ngoài sự khổ luyện của cá nhân, cô Kim Huệ đã có công lao rất lớn trong việc dìu dắt em đến với võ cổ truyền”.
Hoài Thu