Thiện tâm neo một nẻo về
Xa quê từ năm 12 tuổi, người phụ nữ ấy vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Bà bảo, những việc mình làm được cho “người mình” chỉ đơn giản là khơi dòng tâm thiện.
Người tôi muốn nói đến là bà Nguyễn Thị Phương, quê ở thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân; hiện ở khu phố 4, phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Bà kể, ngày trước, nhà bà là một cơ sở của cách mạng. Bà từng đi vót chông, gom các “hũ gạo kháng chiến” nuôi quân. 12 tuổi, bà tập kết ra Bắc, học trường dành cho con em miền Nam; rồi công tác ở Bắc Giang, Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, bà theo chồng vào Nam, công tác trong ngành đường sắt. Năm 1990, bà bắt đầu các hoạt động giúp người, trở thành một “chiến binh” trên “mặt trận” từ thiện.
Nặng lòng với quê hương
Bếp ăn từ thiện của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh ra đời từ năm 2008. Nguồn kinh phí từ Quỹ người nghèo của Trung tâm có hạn, nên mỗi tuần chỉ hai lần “đỏ lửa”. Đầu năm 2013, trong một lần về thăm, bà Phương cùng những người bạn hảo tâm khác đồng ý hỗ trợ thêm cho bếp ăn này. Từ đó, đều đặn mỗi tháng, bà Phương gửi về 1,5 triệu đồng cùng 20kg gạo. “Từ khi có thêm nguồn hỗ trợ này, mỗi tuần bếp tăng lên ba bữa ăn, mỗi bữa trên 100 suất, thực đơn cũng phong phú hơn. Với những bệnh nhân không có người nuôi, chúng tôi nuôi cơm hoàn toàn”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh Hứa Tự Thảo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương còn có biệt danh là “bà Phương xì ke”, bởi bà từng giúp nhiều thanh thiếu niên đi cai nghiện ma túy. Hơn 100 người nghiện được bà giúp cai nghiện thành công, có cuộc sống ổn định.
Bên cạnh bếp ăn từ thiện của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, bà Phương còn hỗ trợ tiền mặt, lương thực cho bếp ăn Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh. Điều dưỡng Trần Đình Đạt, Trưởng khoa Nội Nhi - Lây - Đông y, Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân, tâm sự: “Mỗi ngày, Trung tâm có hơn 100 bệnh nhân nội trú, trong đó phần lớn là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bếp ăn tình thương đã chia sẻ phần nào với bà con lúc ốm đau bệnh tật”.
Dấu ấn của bà Phương ở quê nhà không chỉ dừng lại ở đó. Làm từ thiện chuyên nghiệp, bà có nhiều “mối quen”, khi có việc cần kíp thì nhờ họ giúp đỡ. Trong một đợt về quê, bà mang theo 6 chiếc xe lắc tặng những người cụt chân bán vé số. Trung thu năm nay, bà gom góp gửi về 1.000 chiếc bánh và 300 lồng đèn cho trẻ em ở Hoài Ân, An Lão và Vĩnh Thạnh. Rồi bà hỗ trợ gạo, mì tôm cho học sinh ở An Lão đi học xa nhà những khi cha mẹ các em chưa có điều kiện tiếp tế khi mưa lũ về. Những ngày cuối năm nay, nghe quê nhà oằn mình chống lũ, bà lại tất tả mang 400 thùng mì tôm ra tàu gửi về hỗ trợ… Chẳng thể nào kể hết những việc lặng thầm mà lớn lao của bà.
Người bắt cầu cho những chuyến “hồi hương” của bà Phương là “ông già thiện nguyện” Trang Xuân Chi. Cuối năm 2012, biết bà Phương qua một chuyến hàng gửi tặng Hội Cựu chiến binh tỉnh, bác sĩ Trang Xuân Chi bắt đầu kết nối với địa chỉ nhân đạo tin cậy này. “Cô Phương là người có tấm lòng rất thủy chung với quê hương. Cô luôn thành tâm, chịu khó, chịu khổ, đã hứa là giúp đến nơi. Chưa thấy cô Phương ngần ngại việc gì khi tôi đưa ra các trường hợp cần hỗ trợ”, bác sĩ Chi cho hay.
Khơi thiện tâm
Đã ở tuổi thất thập, nhưng bà Phương vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Những hoạt động từ thiện ở quê nhà chỉ là một phần nhỏ trong sự bận rộn của người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn này. Bà hiện là Trưởng Ban Mặt trận và Phó Ban điều hành khu phố 4, là “chủ xị” của bếp ăn từ thiện ở số 44 đường Rạch Bùng Binh, phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Ngoài nguồn hỗ trợ chính từ Chi hội từ thiện Huỳnh Mai (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh), bà Phương phải chạy đôn chạy đáo để duy trì bếp ăn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà tổ chức làm giá đỗ, phần để dùng cho bếp ăn, phần bán đi để tạo quỹ. Tháng nào chật vật quá, bà chạy đi vay mượn thêm của bạn bè. Bà còn đi giúp việc cho người bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tích cóp từng đồng để mua gạo mua mắm.
Thực tế, góp tiền mặt cho bếp ăn của bà Phương chỉ có người thân và số ít bạn bè. Phần lớn các nhà hảo tâm chỉ góp hiện vật, có gì góp nấy. Hằng ngày, khi phát cơm trưa xong, bà lại đến các chợ đầu mối, tỉ tê chuyện trò với tiểu thương, rồi lựa lúc họ buôn được bán đắt mà ngỏ lời xin số rau củ, hoa quả còn lại để ủng hộ cho bếp ăn. Được góp cân gạo, ký đường, lạng bột ngọt, họ cũng thấy hạnh phúc vì được chia sẻ với những người khó khổ hơn mình. Làm từ thiện, bởi vậy, với bà Phương, còn là khơi tâm thiện, “lôi kéo” nhiều người cùng làm việc thiện.
“Cô nghĩ, ở quê mình, quán xá, chợ búa cũng không ít, nếu mình bỏ công dốc sức vận động, lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm thu được cũng không đến nỗi nào. Thêm nữa, có cơ sở y tế đất rộng, nhưng tiếc là chưa được tận dụng để trồng rau, gieo hạt để tăng gia, giúp cho thực đơn của các bếp ăn từ thiện thêm dinh dưỡng”, bà nhỏ nhẻ tâm tư.
Ngần ấy năm tự nguyện giúp người, bà Nguyễn Thị Phương đã nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 10.2013, UBND tỉnh Bình Định đã tặng Bằng khen cho bà. Nhưng bà bảo, niềm vui của bà không phải nằm ở vô số những bằng khen, huy chương, mà là các bếp ăn từ thiện được đỏ lửa thường xuyên, nhiều người nghèo được ấm bụng.
MAI HOÀNG