Kiến trúc sư Trần Việt Dũng và “niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời”
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai đồ án thiết kế đầy ý nghĩa do kiến trúc sư (KTS) Trần Việt Dũng (35 tuổi, quê ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) chủ trì. Hiện Trần Việt Dũng là Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng quốc tế Hà Nội - Amsterdam (Học viện Kiến trúc Vương quốc Hà Lan).
Trần Việt Dũng có năng khiếu và yêu thích hội họa từ nhỏ. Thời tiểu học, anh đã có tranh đi dự treo tại các cuộc thi quốc tế. Khi đang học lớp 9 Trường THCS Lê Lợi (TP Quy Nhơn), Dũng bắt đầu kiếm được tiền từ việc đi làm thêm, vẽ tranh sơn dầu phong cảnh cho các tiệm vẽ. Niềm đam mê kiến trúc, hội họa trong anh cứ lớn dần. Tốt nghiệp cấp III, anh thi đậu cùng lúc 3 trường ĐH: Luật, Bách khoa, Kiến trúc.
Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, Dũng sang tu nghiệp tại một số nước châu Âu. Tại đây, anh đã được nhiều KTS nổi tiếng thế giới hướng dẫn. Năm 2007, khi Công ty Tư vấn xây dựng quốc tế Hà Nội - Amsterdam được thành lập, quản lý các dự án thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trần Việt Dũng được chọn làm Giám đốc.
Dưới sự bảo trợ của Viện Kiến trúc Hoàng gia Vương quốc Hà Lan, Công ty Tư vấn xây dựng quốc tế Hà Nội - Amsterdam trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn thiết kế xây dựng. Và Công ty đã được lựa chọn để thực hiện nhiều dự án quan trọng, trong đó có dự án Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. KTS Trần Việt Dũng là người chủ trì thiết kế cả 2 đồ án trên. “Ý tưởng xác lập đầu tiên về 2 đồ án trên là làm sao nói lên được nét đặc trưng của một - trận - đánh và một - con - người”, KTS trẻ này nói.
Trần Việt Dũng say sưa nói về 2 đồ án giàu ý nghĩa này. Anh giải thích: “Khi nhìn vào đồ án Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên, chúng ta phải thấy được tất cả Điện Biên với những cảnh trí hút hồn của núi rừng Tây Bắc, với những đoàn quân kéo pháo ra trận tuyến mà lòng vui phơi phới, cất tiếng hát vang: “Đây miền Tây Bắc ngút ngàn trùng xa...”. Không ai có thể nghĩ đó là bom đạn, là máu, là trận chiến, mà người ta chỉ có thể thấy chất thơ trong đó. Rất VĂN trong VÕ. Điện Biên chính là Đại tướng, và qua con người Đại tướng, toàn bộ tinh hoa của trận đánh chấn động địa cầu này được tái hiện. Hình tượng của đồ án là toát lên cái khí chất, như sự đối lập và bổ sung cho nhau ÂM - DƯƠNG, VĂN - VÕ”.
Việc lựa chọn địa điểm đặt dự án Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên, theo KTS Dũng, cũng là một sự phân tích khoa học, dù nó hoàn toàn ngược lại so với các suy nghĩ hiện nay. Đó là, không xây mới Bảo tàng trong thung lũng Điện Biên vì di tích này cần được bảo vệ, mà xây tại điểm cao Mường Phăng, nơi trước kia Đại tướng vẫn dùng ống nhòm quan sát toàn trận đánh. Khách tham quan đến đây sẽ nhìn được toàn cảnh lòng chảo Điện Biên sau khi tham quan Bảo tàng, như đang dõi theo trận đánh năm nào cùng Đại tướng.
Với đồ án thiết kế Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì KTS Trần Việt Dũng cho biết, dự án này không được lựa chọn vị trí xây dựng mà dựa trên khu đất có sẵn nằm bên hồ Thuyền Quang, nên cần kết hợp được cả yếu tố vị trí khu đất và tầm nhìn. “Ý tưởng được xác lập là hình ảnh một nửa ngôi sao, qua sự phản chiếu xuống mặt hồ thì hiện nguyên vẹn hình ảnh một ngôi sao sáng. Đó chính là chất thơ ẩn trong con người Đại tướng “quân lệnh như sơn” mà khi tiếp xúc đời thường ta mới thấy”, anh nói.
KTS Trần Việt Dũng chia sẻ, qua hai đồ án thiết kế Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thông điệp mà anh muốn gửi đến bạn bè quốc tế là truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Các đồ án đã khắc họa hình ảnh một dân tộc bé nhỏ và yêu chuộng hòa bình, nhưng khi có giặc ngoại xâm thì dân tộc ấy kết lại thành một khối thống nhất có sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù. Dân tộc đó cũng đã sinh ra nhiều vị anh hùng lỗi lạc khiến bao thế lực phải run sợ.
“Chính nhờ những đồ án này mà tôi đã được nhiều lần làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời tôi”, KTS Trần Việt Dũng kết thúc câu chuyện.
NGUYỄN PHÚC