Họ đã làm theo Bác
Một cách dễ hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học tập tấm gương hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm tốt nhiệm vụ được giao phó.
Những tập thể, cá nhân sau đây đã làm được điều đó và xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Người công an viên mang lại cảm giác bình yên
Phụ trách công tác an ninh trật tự thôn Thượng Giang 1, anh Trưng Quốc Khoa, 53 tuổi, công an (CA) viên xã Tây Giang (Tây Sơn) được người dân trong cả xã và cả một số xã lân cận như Tây Thuận, Bình Tường tin tưởng. Sự tin tưởng đó thể hiện ở việc, mỗi khi có vụ việc liên quan đến tội phạm xảy ra, bà con thường gọi điện báo cho anh trước. Và, mỗi lần nhận được tin báo, anh Khoa đều nhanh chóng đến nơi giúp bà con giải quyết vụ việc.
Hơn 10 năm làm CA viên, anh Khoa đã không phụ lòng tin của cấp trên, luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được nhân dân trong vùng tin yêu, quý mến. Với lợi thế đã khổ luyện võ cổ truyền từ năm 14 tuổi, anh Khoa nhiều lần khống chế tội phạm thành công, trong đó đáng nhớ là lần anh phối hợp cùng CA huyện Tây Sơn truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Phây cùng một đồng phạm cướp tài sản người đi đường trên QL19. Dù chỉ một mình đối mặt với 2 tên cướp có súng và dao nhưng anh đã khống chế, bắt được bọn chúng giao CA huyện.
Ở xã Tây Giang, người dân còn kể nhiều câu chuyện về sự nhiệt tình, gan dạ của anh Trưng Quốc Khoa. Ông Tạ Đình Hải, người dân ở xã Tây Giang nói: “Bà con tin tưởng, quý mến anh Khoa bởi lẽ anh làm việc rất nhiệt tình. Bất cứ lúc nào, ở đâu có việc cần đến CA là anh có mặt. Bọn thanh niên hư hỏng thường tụ tập đánh nhau mới nghe nhắc đến anh đã tự động giải tán. Những kẻ cướp giật, dù hung hăng, liều lĩnh đến đâu gặp anh cũng bó tay…”.
Mang lại cảm giác bình yên cho mọi người, người CA viên Trưng Quốc Khoa đã làm được điều giản dị mà đáng quý đó.
MAI LINH GIANG
Người trưởng thôn được dân tin yêu
Gương mẫu, miệng nói tay làm, hết lòng vì dân, đó là những nhận xét ngắn gọn nhưng chứa đầy sự mến phục của người dân thôn Phú Giáo, xã Cát Thắng (Phù Cát), dành cho trưởng thôn của mình, ông Trảo An Tự. Hơn 50 tuổi, 10 năm làm trưởng thôn, ông Tự đã cùng với nhân dân trong thôn chăm lo phát triển KT-XH, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Là trưởng thôn, nên mọi chuyện lớn bé trong thôn đều qua tay ông, từ phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến lên lịch gieo sạ, điều hành sản xuất, rồi hòa giải những mâu thuẫn trong chòm xóm, tham gia xử lý các vụ trộm vặt, đánh nhau... Đến mùa bão lụt thì công việc trong thôn nói chung và của riêng ông càng bộn bề hơn, nhất là huy động nhân dân phòng, chống lụt bão, rồi tiếp nhận hàng cứu trợ lũ lụt, lập danh sách hộ nhận quà, sao cho công bằng và chính xác... Trong thôn, nếu có gia đình nào khó khăn đột xuất hay chẳng may bệnh tật hiểm nghèo, ông đều chủ động phối hợp với các hội đoàn thể ở thôn đi vận động quyên góp giúp đỡ. Đơn cử như khi thấy anh Phạm Uy Hiền ở xóm Nam, thuộc diện hộ nghèo, bị tai nạn giao thông rất nặng, gia đình không đủ tiền chạy chữa, ông Tự đã cùng với các hội đoàn thể trong thôn đi vận động quyên góp giúp đỡ cho anh Hiền trên 7 triệu đồng...
Vậy nhưng khi có ai hỏi về công việc của mình, thì ông Tự chỉ mỉm cười khiêm tốn: “Có gì đâu mà nói”. Mà nếu có hỏi tới nữa thì ông cũng chỉ lại nói về trách nhiệm của mình, đúng hơn là tâm tư từ một người công bộc của dân: “Muốn làm tròn trách nhiệm của người trưởng thôn, thì trước hết phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến chính đáng của dân, để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các công việc cần thiết trong thôn đảm bảo dân chủ và hợp lòng dân”.
Yêu mến ông, nhiều người dân ở đây nói, nếu bây giờ ông Tự nghỉ “chức” trưởng thôn thì sẽ chẳng có ai đảm đương công việc được như ông đã làm trong nhiều năm qua.
THẾ HÀ
Lão nông “đi trước làng nước theo sau”
Giờ đây, con đường chạy quanh xóm Đội 14, thôn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) đã được đúc bê tông dài 420m, đường mở rộng đến 3,5m, người dân nơi đây ai nấy đều phấn khởi. Bởi mừng, nên trước đó, khi biết con đường này nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân xung quanh đã tự nguyện hiến đất, tháo hàng rào, chặt cây ăn trái để mở rộng đường. Trong đó, lão nông Văn Thường (74 tuổi) là đầu tàu trong việc hiến đất vườn, đất ruộng để các hộ dân khác noi theo. Bản thân ông Thường đã hiến tổng cộng 220m2 đất, trong đó 105m2 đất vườn và 115m2 đất ruộng.
Ngoài hiến đất của cá nhân, với tư cách xóm trưởng, ông Thường còn tích cực vận động người dân làm theo mình. Lúc đầu, một số hộ kiên quyết không chịu, vậy là ông phải đến từng nhà “nhỏ to”, lúc gặp ở ngoài ruộng ông cũng tranh thủ “to nhỏ”. Sau một thời gian kiên trì, ông Thường đã vận động được 42 hộ dân trong xóm hiến tổng cộng 4.200m2 đất làm đường, trong đó 1.200m2 đất vườn và 3.000m2 đất ruộng.
Ông Thường tâm sự: “Để tất cả người dân trong xóm thông tư tưởng, tự nguyện hiến đất, gặp hộ nào tui cũng nói, đây là cơ hội để con đường của xóm mình được mở rộng, được đúc bê tông. Nói là làm, tụi tự tay phá bỏ hàng rào vườn nhà, cắt bỏ diện tích lúa đã sạ để xã đổ bê tông những đoạn đường do tôi hiến đất trước. Thấy vậy, nhiều hộ khác bắt đầu làm theo. Chỉ trong thời gian ngắn con đường hoàn thành, ai cũng thấy vui và hài lòng”.
Ông Võ Văn Phát, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, nhận xét: “Ông Thường là một nông dân chất phác, sống rất có tình có nghĩa với bà con lối xóm, luôn được mọi người trong gia đình và chòm xóm kính trọng. Trong 22 năm làm xóm trưởng, ông là người đi đầu trong việc thực hiện cũng như vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Trong năm 2013, ông Văn Thường đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2013.
PHẠM PHƯƠNG
Dạy thực chất, học thực chất
Ở Trường THPT Nguyễn Trân (Hoài Nhơn), để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học, sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục, nhà trường đã đề ra khá nhiều phong trào thi đua. Và điều đáng nói là phong trào nào cũng mang lại hiệu quả cao.
Có thể khẳng định, việc chú trọng làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần lớn trong việc giúp cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Trương, Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trân, cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm của trường là thực hiện tốt công tác “Dạy thực chất và học thực chất”. Muốn đạt được mục tiêu này, nhà trường xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để thông qua đó, từng cán bộ đảng viên tận tâm, tận lực, phấn đấu trở thành một tấm gương sáng cho học sinh. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên, tỉ lệ học sinh khá giỏi hàng năm tăng lên rõ rệt, học sinh yếu kém giảm; đoàn kết nội bộ được tăng cường. Đặc biệt, những năm qua nhà trường không có giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo, không xảy ra hiện tượng bạo lực học đường, tạo được niềm tin, uy tín trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”.
Chỉ tính riêng năm học 2012-2013, Trường THPT Nguyễn Trân có 62% học sinh đạt học lực khá, giỏi; trên 93% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt; 100% học sinh đậu cao đẳng, đại học. Với thành tích đó, trường được xếp vị trí 251/3.000 trường THPT trên cả nước; xếp thứ 3 toàn tỉnh (tăng hơn năm trước 63 bậc). Đặc biệt, từ năm học 2010-2012 đến nay, học sinh Trường THPT Nguyễn Trân đã đạt 33 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và hiện có 5 học sinh được chọn vào đội tuyển của tỉnh thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
DIỆP BẢO SƯƠNG