Tình làng ở phố
Phố không chỉ là những ngôi nhà cao tầng với từng cánh cửa khép chặt. Phố còn là nơi lòng người rộng mở, đắp xây tình cảm cộng đồng.
1.
Cách đây non nửa thế kỷ, gia đình nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc chuyển từ Huế vào Quy Nhơn sinh sống. Bà cùng chồng - ông Võ Văn Noa - đều công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà kể, lúc mới vào, cứ mỗi lần tiếp chuyện với đồng nghiệp hoặc với ai đó xong, là trong bà lại dậy lên sự so sánh: sao người Quy Nhơn không giống người Huế ngoài mình. Và bất cứ thứ gì ở đây, từ hạt gạo mớ rau, con tôm con cá, trái mướp trái cà, dưới thị giác và vị giác của bà đều không bằng Huế.
Thế rồi, tình hình dần được cải thiện. Sau một lần tham gia cứu sống một ông cụ bị “trúng gió” giữa khuya, ông bà nhận được cái nhìn gần gụi hơn từ những người dân xứ nẫu. Sau giờ làm việc, ông hay bỏ túi thuốc lên giỏ xe, đạp lòng vòng mấy con hẻm nhỏ để tiêm thuốc cho người này, thay băng cho người kia. Nhà kha khá, ông lấy mấy đồng tiền công; người khô khổ, ông làm giúp. Đổi lại, trên đường chở cá ra chợ, vài cư dân của “khu 2” nổi tiếng sóng gió cũng dừng trước cổng: “Bà Hai ơi, có mấy con khoai tươi lắm nè!”. Vậy nên, tủ lạnh nhà bà lúc nào cũng ăm ắp cá tươi.
Thế rồi, căn nhà số 281/8 Nguyễn Huệ dần quen thuộc. Những người chưa thân cũng thấy rất gần. Bà Hai Lan trước nhà rảnh lại chạy sang, kể chuyện nhà trên ngõ dưới. Từ những câu chuyện không đầu không đuôi ấy, “bà Hai nhà thơ” (cách gọi của người dân trong hẻm) biết được chuyện của một gia đình đặc biệt. Ở đó, có thằng con lêu lổng, học hết 12 thì nghỉ, không nghề ngỗng, theo chúng bạn quậy phá… Vậy là bà kêu thằng nhỏ sang nói chuyện, chỉ nói thôi. Chẳng ai biết bà rót vào tai nó những gì, chỉ biết nó về xin ba má đi học sửa xe máy. Gần năm sau, nó về nhà mở tiệm, củ mỉ làm ăn.
Ngôi nhà số 281/8 giờ thành nơi giữ xe. Chủ nhân của nó, gia đình nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc đã định cư ở Sài Gòn. Tháng 9 vừa rồi, ông bà về Quy Nhơn để lo một số thủ tục giấy tờ. Dù đã đăng ký ở khách sạn từ mấy ngày trước nhưng những người hàng xóm cũ đã đến mời ông bà về ở tại nhà bà Hai Lan. “2 năm 3 tháng 8 ngày xa nhau, tình cảm xóm giềng vẫn nồng ấm như thuở nào”, nhà thơ xúc động kể. Nói đoạn, bà ngâm: “Ta tu mấy kiếp mấy đời/ Mà nay nhận cả một trời yêu thương”.
2.
Năm 1994, gia đình ông Trần Văn Thanh về định cư ở đường Nguyễn Thượng Hiền (khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt), là những cư dân đầu tiên ở đây. Bà Bùi Thị Hạnh - vợ ông Thanh - kể, thuở ấy, khu sân bay vẫn hoang vắng, chạng vạng đã chẳng dám ra đường. Hai nhà, ba nhà, rồi nhiều ngôi nhà mọc lên, con phố dần đông đúc.
2 năm sau, ông cùng vài người nữa khởi xướng mâm cúng tất niên cho bà con chung đường. Hằng năm, trước 20 tháng Chạp, Chủ nhật trúng ngày nào thì cúng ngày ấy. Cánh phụ nữ gặp mặt trước, lên thực đơn tự làm, ngon, rẻ, tiết kiệm. “Phe mày râu” cũng bàn bạc, lên chương trình, phân công nhiệm vụ. Riêng ông Thanh, năm nào cũng làm chủ tế, với bài cúng lấy từ sách “Tập tục và nghi lễ dâng hương” của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
“Có người cật vấn, sao lại cúng kiếng như thế. Tôi bảo, cúng tất niên để thể hiện lòng biết ơn trời đất, để yên lòng người. Quan trọng hơn, đó là dịp gặp mặt tất cả mọi người trong phố, để tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, để tụi nhỏ cảm nhận và trân quý cái nghĩa láng giềng. 4 hộ ở đây chuyển nhà sang nơi khác, đến cuối năm đều quay về tham gia tất niên xóm. Nhiều gia đình ở đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Trân… cũng rủ nhau qua đây góp vui”, ông Thanh chia sẻ.
Năm 2006, gia đình ông Trần Văn Ba ở cùng phố qua Mỹ định cư. Từ đó đến nay, trước ngày tất niên xóm, năm nào ông Ba cũng gửi về ít tiền, gọi là góp cân đậu, lạng thịt. Cũng nhớ những người hàng xóm sâu nghĩa nặng tình, nên ông Trần Văn Phước - anh trai của ông Ba - gửi về mấy bức ảnh gia đình, chia sẻ với nhau như người thân trong gia đình.
Ở một phương diện khác, tình cảm cộng đồng giúp cho đời sống của người dân phố thị thêm phần ấm cúng, gần gũi, dễ giải quyết những lúc chẳng bằng lòng. Trước nhà ông Thanh có hai mảnh đất nằm kề nhau. Khi một ngôi nhà được xây lên, chủ đất còn lại phản ứng vì nghĩ người kia lấn đất nhà mình. Cãi nhau không xong, họ mời ông Thanh qua xử. Ông bảo cứ bình tĩnh, lấy thước dây kéo ra đo; đoạn, lấy sổ đỏ ra coi. “Bề ngang miếng đất là 4,9m, như trong sổ, có suy suyển chi đâu”, ông kết luận. Thế là người gây chuyện đãi chầu cà phê giảng hòa, thế là xí xóa.
3.
“Đèn nhà ai nấy tỏ, ngõ nhà ai nấy sáng”. Tưởng chừng lối sống ấy ngày càng thống trị ở chốn phố phường nhà bê tông cửa sắt thép. Vậy mà không. Nét đẹp của nếp sống mới cứ tỏa lan. Những khu dân cư văn hóa vì thế mà cũng xuất hiện nhiều hơn. Hình thái của tình phố nghĩa hẻm cũng đa dạng hơn. Như ở đường Nguyễn Huy Tưởng, đường Trần Quang Diệu… kinh phí để làm tất niên xóm được trích ra một ít để tặng cho các gia đình nghèo, khó khăn, đặng mâm cơm ngày Tết xôm hơn chút đỉnh.
Làng ở phố. Hay phố cũng ấm áp như làng?
Bình Phương